Bất chấp khó khăn chất chồng đến từ đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực của Chính phủ và bộ, ngành, doanh nghiệp, năm 2020, hội nhập và thương mại Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hội nhập bứt phá

Có thể thấy, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2020 chính là việc ký kết, đàm phán và triển khai thành công các Hiệp định thương mại (FTA) quan trọng. "Chưa bao giờ, trong vòng một năm, chúng ta tham gia 3 Hiệp định thương mại lớn, đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), qua đó mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá.

Đáng chú ý, thực tế cho thấy, 5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Còn với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%...

Thêm vào đó, việc ký kết Hiệp định RCEP sau 8 năm đàm phán - FTA có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.

Đặc biệt, ngày 29/12 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký kết, đưa thương mại của Việt Nam tiến vào các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).

Đồng thời, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng mang lại các dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và có thêm nhiều giao dịch từ Anh tới Việt Nam.

Bất chấp đại dịch, xuất khẩu đạt tăng trưởng dương

Trong năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch Covid-19,đó, Việt Nam với độ mở cửa nền kinh tế là 200% GDP - một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới khó tránh khỏi khó khăn. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ đầu quý II/2020. Tuy nhiên, kết thúc năm, chúng ta vẫn đạt được thành tựu đáng kích lệ.

Theo số liệu ước liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Có thể thấy, việc phục hồi hoạt động sản xuất sớm đã mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Trong năm 2020, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu tăng khá đến từ sự tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu mới, bù đắp cho sụt giảm của các mặt hàng truyền thống, có thể kể đến như mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng (ước đạt 2,89 tỷ USD, tăng 48,7% so với năm 2019); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 47,6%),… Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng mạnh còn gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 26,74 tỷ USD, tăng 46,1%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 44,3 tỷ USD, tăng 23,2%...

Hơn nữa, hàng hóa Việt đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

Với những kết quả đó, Bộ Công thương đánh giá, dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư; đưa Việt Nam vững bước, tự tin bước vào năm 2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới./.

Nguồn: ASEAN Việt Nam