Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng “cải cách WTO là một việc cần thiết và khả thi” nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Alan Wolff mới đây đã tích cực kêu gọi các nước đóng góp và thúc đẩy quá trình cải cách WTO, đồng thời cho rằng “cải cách WTO là một việc cần thiết và khả thi” nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay.

Phát biểu trên của ông Wolff được đưa ra trong phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” ngày 24/11 của các nhà lãnh đạo sáu thể chế quốc tế bao gồm WTO, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Cơ quan giám sát ngân hàng toàn cầu FSB.

Ông Wolff đã thúc giục tất cả các thành viên WTO, nhất là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, bắt đầu tiến trình can dự nghiêm túc nhằm cải cách WTO. Ông lập luận rằng hiện các nước có đủ nền tảng chung, có những lĩnh vực mà lợi ích giao thoa nhau để có thể đạt được những thỏa thuận mới.

Các vấn đề cơ bản mà WTO đang đối mặt xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao. Bốn thành viên lớn nhất của WTO là EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - vốn chiếm hơn 50% thương mại thế giới - có những “bất đồng địa chính trị” sâu sắc.

Ông Wolff cho rằng nếu bốn thành viên này có thể tìm được lập trường chung, rất có khả năng các thành viên khác cũng sẽ đồng thuận.

Trong bối cảnh đó, ông Wolff cho rằng với tư cách là nước hưởng lợi rõ nhất từ hệ thống thương mại đa phương kể từ khi gia nhập WTO gần hai thập kỷ trước, Trung Quốc cần “lãnh đạo, tham gia, và đóng góp tích cực cho những cải cách sâu rộng của WTO, sẽ được sự ủng hộ và thông qua của tất cả các Thành viên WTO.”

Theo Phó Tổng giám đốc WTO, đàm phán cải cách WTO cần chú trọng vào bốn trọng tâm. Thứ nhất là đàm phán về hiệp định thương mại điện tử phải dẫn đến một hiệp định quốc tế sâu rộng, tạo ra tính có thể đoán định và các quy tắc thúc đẩy sự tiếp tục tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Hai là hiệp định về công nghệ thông tin cần được cập nhật và nên bao gồm cả trang thiết bị y tế cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch. Ba là đàm phán về hiệp định hàng hóa môi trường cần được hồi sinh và sớm đạt được một hiệp định, với việc bao hàm các dịch vụ, như là một phần của phản ứng đa phương với biến đổi khí hậu.

Bốn là hiệp định về dược phẩm, cung cấp miễn thuế, nên được cập nhật phạm vi bao hàm và Trung Quốc cũng như những nước sản xuất dược phẩm chính nên tham gia với tư cách bên ký kết hiệp định này và cần bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của hiệp định. Đây chỉ là danh sách những vấn đề rõ ràng cần hành động nhất.

Ông Wolff cho rằng những cuộc đàm phán này phải đưa ra được những quy tắc sâu rộng và có ý nghĩa cần thiết cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng./.

Nguồn: Vietnam Plus