Bộ Công Thương vừa có thông báo về một số mặt hàng dệt may xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có nguy cơ vượt ngưỡng quy định theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA)

Tiếp theo Công hàm số 14-572 của Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) hồi tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương nhận được thông báo của EEC cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA.

Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2020 đã đạt 94,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.

Tương tự trong cùng khoảng thời gian này, lượng nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng com lê, áo khoác, blazer, quần tây (mã HS 6103.41, 6103.42, 6103.43, 6103.49, 6104.51, 6104.52, 6104.53, 6104.59, 6104.61, 6104.62, 6104.63, 6104.69, 6203.41, 6203.42, 6203.43, 6203.49, 6204.51, 6204.52, 6204.53, 6204.59, 6204.61, 6204.62, 6204.63, 6204.69) cũng lên tới 72,0% - mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020 và khối lượng nhập khẩu ưu đãi đối với áo sơ mi, áo chui đầu, ghi lê, áo cộc (Mã HS 6110) lên tới 71,5% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020.

Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU, theo đó, tùy thuộc vào lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng. Bộ Công Thương thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang EAEU được biết. Trước đó, vào tháng 9, Bộ cũng phát đi thông báo tương tự.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bước sang quí 4-2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều.

Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy, thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo khá chững.

Trong khi đó, một số thị trường có FTA cũng không hy vọng tăng trưởng. Trước hết là xuất khẩu sang EU theo EVFTA vẫn chưa dễ tăng trong các tháng còn lại, do châu Âu vẫn đang oằn mình chống dịch, cầu chưa cải thiện. Còn tại thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), một số mã hàng dệt may của Việt Nam có nguy cơ vượt ngưỡng quy định cho cả năm 2020.

Vitas cho biết, năm 2020, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may là 40 tỉ đô la Mỹ, nhưng theo dự tính chỉ có thể đạt 32 tỉ đô la. Trong đó, mặt hàng truyền thống của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi giảm 70%, thậm chí là 80%.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn