Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hiện diện tại khu vực trọng điểm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, với sự tham gia của các đối tác nắm giữ vai trò trọng yếu trong các chuỗi này.

Do đó, với  RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đáng kể để tham gia sâu hơn, hiệu quả và thực chất hơn vào các chuỗi giá trị này… Đây là chia sẻ của bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng Hiệp định Thương mại tự do, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với phóng viên TBTCVN.

* PV: Sau 8 năm đàm phán, RCEP đã chính thức được ký kết. Tham gia vào RCEP sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt, thưa bà?

Bà Phùng Thị Lan Phương: Cho tới thời điểm hiện tại, RCEP là hiệp định (HĐ) thương mại tự do (FTA) lớn nhất của Việt Nam xét về quy mô đối tác. Trước RCEP, Việt Nam đã có 9 FTA riêng rẽ với một hoặc một số đối tác RCEP. Tuy nhiên, RCEP sẽ tạo ra sự khác biệt với các FTA này nhờ vào lợi thế về quy mô. Với 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác của ASEAN, trong đó có những đối tác thương mại lớn của thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, RCEP sẽ bao trùm một khu vực thương mại rộng lớn, tạo ra những cơ hội đáng kể về giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa... Những cơ hội này được tạo ra nhờ các cam kết về cắt giảm thuế quan, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi cho hoạt động thương mại...

Bên cạnh những lợi ích về thương mại hàng hóa, trong RCEP còn có những cam kết về mở cửa dịch vụ và đầu tư, mua sắm công, các quy tắc chung về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh…. cũng sẽ mở ra những cơ hội mới về thu hút đầu tư nước ngoài, không chỉ từ các nước thành viên RCEP mà còn cả từ các quốc gia khác, khi các nhà đầu tư nhìn thấy những cơ hội to lớn từ thị trường RCEP khi đầu tư vào Việt Nam.

Hơn thế nữa, RCEP hiện diện tại khu vực trọng điểm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, với sự tham gia của các đối tác nắm giữ vai trò trọng yếu trong các chuỗi này. Do đó tham gia vào RCEP, DN Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đáng kể để tham gia sâu hơn, hiệu quả và thực chất hơn vào các chuỗi giá trị này.

Tựu chung lại có thể thấy, RCEP hứa hẹn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam. HĐ càng có ý nghĩa hơn khi được ký kết trong bối cảnh chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại gia tăng ở nhiều thị trường trọng điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam.

* PV: Bên cạnh những cơ hội, lợi ích, việc tham gia vào RCEP sẽ đem đến những thách thức như thế nào cho nền kinh tế và DN Việt, thưa bà?

Bà Phùng Thị Lan Phương: HĐ nào cũng vậy, bên cạnh những cơ hội luôn tiềm ẩn nhiều thách thức. Tham gia vào RCEP, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa cho các đối tác thành viên của HĐ và điều này sẽ khiến cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ khốc liệt hơn đối với các DN trong nước. Bên cạnh đó, cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu trong RCEP cũng có thể sẽ gay gắt hơn, khi các đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng là các thành viên RCEP và cũng được hưởng các lợi thế từ HĐ này.

Một thách thức khác đó chính là làm thế nào để không bỏ phí các cơ hội từ RCEP khi đây là một HĐ rất lớn và phức tạp. Việc hiểu được và biết cách tận dụng các cam kết của HĐ có thể là một vấn đề không đơn giản đối với các DN Việt Nam. Nếu chúng ta không tận dụng được các cơ hội từ HĐ này, ví dụ không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường RCEP so với các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, thì rõ ràng chúng ta sẽ gặp những thách thức để giữ vững thị phần của mình chứ chưa nói đến mở rộng hay tăng cường xuất khẩu...

* PV: Để tận dụng cơ hội cũng như vượt qua những thách thức khi Việt Nam tham gia RCEP, từ góc độ chuyên gia của Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, bà có thể đưa ra một số khuyến nghị?

Bà Phùng Thị Lan Phương: RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm sau, khi các bên hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ. Do đó, DN và Chính phủ Việt Nam vẫn còn một khoảng thời gian “chạy đà” để chuẩn bị cho HĐ. Để tận dụng được cơ hội và ứng phó với thách thức do RCEP đem lại, tôi xin nhấn mạnh DN cần chủ động, thật chủ động. Cụ thể, DN cần chủ động từ việc tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan, tìm ra cơ hội, điều kiện tận dụng đến chủ động xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tận dụng tốt nhất HĐ.

Tôi cho rằng, sau hàng loạt FTA đã được thực thi, DN Việt Nam đã tương đối có kinh nghiệm và quan tâm tới các FTA hơn trước. Những kết quả về xuất nhập khẩu đạt được trong thời gian qua, khi thực thi HĐ Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chứng minh cho hiệu quả của những nỗ lực này.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm khi thực thi các FTA trước đây, chúng ta cũng có thể rút ra một số kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn nữa khi thực thi RCEP. Cụ thể, hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin để giúp DN hiểu và tận dụng RCEP cần triển khai sớm, liên tục, mạnh mẽ và chi tiết hơn.  

* PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thời báo Tài chính