Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết với 15 thành viên gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand được coi là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia quốc tế kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ là cú hích cho nền kinh tế của các nước thành viên sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hình mẫu cắt giảm rào cản thuế quan vì mục tiêu phát triển

Các thành viên của Hiệp định RCEP đều là những cường quốc xuất khẩu khi đa số các thành phẩm đều được xuất ra ngoài khu vực này, đặc biệt là đến Mỹ và châu Âu. Hiện nay, dòng thương mại các thành phẩm và dịch vụ trong châu Á vẫn còn rất khiêm tốn nhưng RCEP có khả năng thay đổi điều này theo hướng tích cực.

Bà Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore - phân tích: "Các cam kết trong hiệp định mang lại lợi ích kinh tế quan trọng trong khu vực. Ví dụ, cắt giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm vào các thị trường đối tác. Mặt khác, quy tắc xuất xứ là yếu tố kỹ thuật sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với các công ty. Các sản phẩm đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xử của RCEP giờ có thể được vận chuyển đến tất cả 15 quốc gia thành viên mà không cần điều chỉnh về nhà cung cấp, nguyên liệu, phụ tùng hay linh kiện".

Mặt khác, tại châu Á, các quốc gia ít có giao thương về mặt dịch vụ nhưng RCEP lại bao gồm các cam kết nhằm giảm thiểu những quy định và cho phép các công ty trong khu vực có thể cung cấp các dịch vụ từ thiết kế đồ họa, các dịch vụ văn phòng, kỹ thuật và giáo dục một cách dễ dàng hơn.

Bà Elms khẳng định: "Trong nền kinh tế hậu đại dịch, việc tiếp tục hội nhập quan trọng hơn bao giờ hết".

Ông Robert Lawrence Kuhn - Chủ tịch Qũy Kuhn của Mỹ - cho biết: Hiệp định RCEP là tấm gương đối với các quốc gia khi các thành viên của RCEP có thể vượt qua những khác biệt chính trị và giảm bớt các rào cản thương mại để theo đuổi các mục tiêu phát triển. Điều khiến RCEP thu hút được sự chú ý là: Mặc dù các quốc gia thành viên có những điểm khác biệt chính trị, họ đều coi lợi ích kinh tế mà chủ nghĩa đa phương mang lại là động lực và vượt qua những khác biệt đó. Đó chính là gốc rễ của sự thành công của RCEP.

RCEP mang lại niềm tin vào một thị trường mở và cam kết của chủ nghĩa đa phương

Ông Tim Evans – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - đưa ra một vài nhận định liên quan đến Hiệp định RCEP vừa được ký kết. Ông cho biết: "Việc ký kết hiệp định trực tuyến, bất kể đại dịch Covid-19 kéo dài, cho thấy quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung. Mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết Hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng, giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á".

Theo ông Neak Chandarith - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Campuchia, việc ký kết hiệp định là sự cân nhắc kỹ lưỡng của các quốc gia nhưng đồng thời cũng mang tính cấp bách bởi sự bất ổn thương mại đang gia tăng do Covid-19 và chủ nghĩa bảo hộ gây ra.Thỏa thuận là lời cam kết về việc phối hợp duy trì chủ nghĩa đa phương trong thương mại và bù đắp thiệt hại kinh tế nặng nề do 2 cuộc khủng hoảng gây ra.

Đối với Campuchia, thỏa thuận thương mại là thỏa thuận thương mại đầu tiên cho phép vương quốc này được hưởng quyền tiếp cận thị trường kết hợp và gần như miễn thuế, ông nói.

“Thương mại hàng hóa của Campuchia sẽ tăng lên trong khi dòng vốn đầu tư nhập khẩu nhiều hơn khi thỏa thuận có hiệu lực” - ông Chandarith nói và phân tích - "Campuchia kỳ vọng rằng RCEP sẽ thúc đẩy khả năng thương lượng của mình trong các FTA song phương khác với thành viên của RCEP hoặc các nước không thuộc RCEP."

Ông Chandarith cho biết thêm, RCEP thực sự sẽ thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư cho tất cả các bên tham gia ASEAN, nhưng mức độ mà mỗi bên tham gia có thể được hưởng là khác nhau.

Nguồn: Báo Công Thương