Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu có những chiến lược mở rộng thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ trong thời gian tới nhưng tất cả đều bị chệch hướng vì Covid-19.

Mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Công ty Cổ phần Phát triển SX - TM Sài Gòn (SADACO) đạt trên 60 triệu USD, trong đó riêng thị trường EU chiếm khoảng 30%. Tránh việc “toàn bộ trứng bỏ trong 1 rổ”, công ty này xây dựng chiến lược từ đây đến năm 2025 sẽ cố gắng đẩy mạnh mở rộng thị trường châu Âu, mục tiêu đạt trên 30 kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên mọi thứ đổ vỡ do dịch bệnh Covid-19.

“Châu Âu hiện tại đang tái phong tỏa, từ nay đến cuối năm chưa biết sẽ phục hồi hay không. Tôi nhận định là khó vì hiện tại ở đó đang vào mùa đông, mà chúng ta đều biết mùa đông là điều kiện tốt để Covid-19 phát triển nên ít nhất đến giữa năm sau thị trường này mới có thể khống chế được dịch”, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ Tịch HĐQT SADACO nói.

Chính việc tình hình dịch bệnh tại châu Âu chưa biết sẽ tiến triển thế nào buộc lòng SADACO phải chuyển hướng chiến lược mở rộng thị trường sang các nước khác như Úc, Newzeland, Nhật Bản - những nước kiểm soát dịch bệnh tốt trong thời gian qua.

Năm 2016, Việt Nam chính thức tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các doanh nghiệp trong ngành da giày kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định này. Nhiều doanh nghiệp ngành này đã đầu tư máy móc, thiết bị, cơi nới nhà xưởng… để tăng công suất sản xuất. Hy vọng có thể thông qua CPTPP xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ với nhiều ưu đãi về thuế. Tuy nhiên Hoa Kỳ đột ngột rút lui khỏi CPTPP khiến ngành da giày “hụt bước”, kế hoạch mở rộng thị trường này coi như tạm gác lại.

Đến khi EVFTA được ký kết, ngành này lại hy vọng sẽ nhờ hiệp định này tiến vào châu Âu. “Công ty đã đầu tư máy móc, xây dựng nhiều chiến lược xuất khẩu nhiều hơn qua châu Âu. Dù EU đòi hỏi nhiều thứ từ quy tắc xuất xứ đến phát triển bền vững, vấn đề về môi trường, con người… đồng nghĩa doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng chúng tôi đã cố gắng hoàn thành tất cả. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong năm nay, ngay lúc EVFTA bắt đầu đi vào thực thi đã khiến chúng tôi chưa tận dụng được nhiều từ hiệp định này”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Gia Định cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch hội da giày TP.HCM nhận định, những tác động mà dịch bệnh mang lại là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, con người để có thể mở rộng hơn nữa hoạt động xuất khẩu vào EU buộc lòng phải dừng lại chờ dịch bệnh được kiểm soát.

“Hy vọng dịch bệnh sẽ không làm ngành da giày “bước hụt” một lần nữa”, ông Khánh nói.

Không đến nỗi sẽ hụt bước như với ngành hàng da giày, những các doanh nghiệp trong ngành rau, quả vẫn chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19. Việc châu Âu 2 lần phong tỏa biên giới đã khiến hoạt động giao thương của doanh nghiệp Việt đến thị trường này chững lại.

“Dù EVFTA mang lại cho ngành rau, quả nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác thị trường châu Âu, nhưng đến thời điểm này các hoạt động xuất khẩu vẫn chưa có sự đột biến. Nhiều doanh nghiệp Việt hy vọng sẽ tăng thị phần tại châu Âu, dần dần sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng đến hiện tại các kế hoạch mở rộng đang bị đình trệ”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau, quả Việt Nam cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế cho biết, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều dự báo GDP của thị trường EU sẽ tăng khoảng 6,4%. Tuy nhiên đến hiện tại mức độ dự báo tăng trưởng đã giảm xuống một nửa. Mỗi tháng lại có một dự báo khác nhau từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới, hay các tổ chức thống kê. Điều đó cho thấy Covid-19 gây đảo lộn các mặt trong cuộc sống như thế nào. Giờ không có một tổ chức, cá nhân nào có thể cho ra một dự báo chính xác từ đây đến cuối năm. Điều cần làm nhất hiện tại là các doanh nghiệp trong nước nên củng cố nội lực, chờ dịch bệnh được kiểm soát. Khi đó, các hoạch định về chiến lược mở rộng thị trường mới khả thi, trong tình cảnh hiện tại là mạo hiểm.

Nguồn: Thế giới tiếp thị