Các lô hàng đã xuất đi Liên minh châu Âu (EU) trước 1-8-2020, ngày hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, vẫn sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này.

Trong đó, hàng đã xuất đi EU trước ngày 1-8-2020 nhưng không quá 24 tháng, đang trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời hay ở kho ngoại quan, hoặc khu phi thuế quan thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan chức năng cấp C/O mẫu EUR.1.

Đồng thời với đề nghị này, doanh nghiệp cần kê khai đầy đủ và cung cấp thêm các chứng từ chứng minh thông tin (gồm tên phương tiện vận chuyển, số chuyến hoặc số hiệu chuyến bay, ngày khởi hành và số hiệu của container, niêm phong).

Trong trường hợp hàng đã xuất đi EU nhưng vượt quá 24 tháng, tính từ 1-8-2020 trở về trước và đang nằm ở kho ngoại quan thì doanh nghiệp cũng có thể đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1. Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể sẽ được Bộ Công Thương, sau khi trao đổi với phía EU, xem xét và có quyết định cuối cùng.

Việc được cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng đã xuất đi trước thời điểm EVFTA có hiệu lực để được hưởng ưu đãi thuế quan đã được quy định tại điều 39, Thông tư 11/2020 do Bộ Công Thương ban hành hồi cuối tháng 6. Quy định này sau đó còn được làm rõ bằng công văn 0156 của Cục Xuất nhập khẩu phát hành hôm 22-9 vừa qua.

Những ưu đãi này cũng vừa được nhấn mạnh lại tại Hội nghị đánh giá việc thực thi về xuất xứ hàng hóa theo EVFTA diễn ra cuối tuần qua tại TPHCM.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng lưu ý, doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng đi EU trước 1-8-2020 và đã có C/O mẫu A, REX để được hưởng ưu đãi theo GSP (chương trình ưu đãi thuế mà EU dành cho các nước đang phát triển) nhưng nay muốn hưởng theo thuế quan của EVFTA thì cũng có thể chuyển sang C/O mẫu EUR.1. Tất nhiên, phải có chứng từ chứng minh.

Để được hưởng ưu đãi theo EVFTA, với các lô hàng có trị giá dưới 6.000 đô la Mỹ, doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Giấy chứng nhận tự xuất xứ này cần có đủ 4 thông tin về công ty xuất khẩu, nhà nhập khẩu, mô tả hàng hóa và ngày phát hành cùng cam kết của nhà xuất khẩu.

Lưu ý, trị giá hàng hóa ở đây là trị giá xuất xưởng và cam kết của nhà xuất khẩu có thể bằng nhiều ngôn ngữ và có thể bằng tiếng Việt. Tất nhiên, nếu nhà xuất khẩu Việt Nam không muốn tự chứng nhận xuất xứ, vẫn có thể xin C/O và được cấp từ cơ quan chức năng.

Với các lô hàng trên 6.000 đô la Mỹ, doanh nghiệp phải xin C/O mẫu EUR.1 như đã nói ở trên. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng trên 6.000 đô la Mỹ xuất đi châu Âu vẫn đang được Bộ Công Thương xem xét và xây dựng quy trình mở dần dần để phòng tránh tình trạng gian lận thương mại.

Chia sẻ tại hội nghị đánh giá thực thi mới đây, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh, phía EU sẽ tăng cường hậu kiểm về C/O và việc xác minh hồ sơ trên cơ chế tin tưởng lẫn nhau.

Theo đó, thời gian xác minh hồ sơ là 10 tháng, nghĩa là các C/O doanh nghiệp gửi đi sẽ được cơ quan hải quan nước nhập khẩu chấp nhận hoặc nghi ngờ. Trong trường hợp nghi ngờ, họ có thể gửi thư xác minh với cơ quan chức năng tại Việt Nam trong vòng 10 tháng.

Nếu vẫn được xác nhận về tính chính xác của C/O thì chứng nhận này tự động được chấp nhận. Vậy nhưng, qua 10 tháng này, họ vẫn nghi ngờ, gửi thư xác minh nhưng vẫn nhận được câu trả lời tương tự, không có thêm động thái kiểm tra thì sẽ tạm dừng ưu đãi cả ngành hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan nước nhập khẩu cũng có quyền yêu cầu cơ quan chức năng của nước họ sang Việt Nam xác minh thực tế bằng việc kiểm tra nhà máy, làm việc với tổ chức cấp C/O… Nếu có gian lận thì cả ngành hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn