Thông tin trên được các diễn giả cho biết tại hội thảo Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19: Cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may, da giày do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức ngày 25/9.

Chỉ có gần 40% hàng hóa xuất khẩu được hưởng lợi

Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, hiện Việt Nam đã ký kết và đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới. Trong đó có 13 FTA có hiệu lực. Kết quả này khẳng định quá trình hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới ngày càng mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá. Quá trình hội nhập của Việt Nam đã mang lại những thành tựu nhất định về xuất khẩu, giải quyết việc làm, giảm nghèo tái cơ cơ cấu, hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường…

Mặc dù vậy, theo kết quả giám sát của Quốc hội về thực thi các FTA vừa thực hiện thì mặc dù Việt Nam ký kết rất nhiều các FTA nhưng hiệu quả tận dụng ưu đãi qua C/O còn rất hạn chế. Hiện tại chỉ có một số ít FTA được tận dụng hiệu quả như FTA Việt Nam – Chi Lê đạt 67,72%, Ấn Độ- ASEAN đạt 65,13%, AANZ đạt 38,36%. Trong tổng thể 13 Hiệp định Việt Nam đã ký kết mức độ ưu đãi của các doanh nghiệp Việt Nam trên tổng lượng hàng XK mới chỉ 37,2%, còn 63,2% chưa tận dụng được.

Tại TPHCM, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, xét riêng 25 đối tác có FTA với Việt Nam (kể cả song phương và khu vực), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TPHCM qua các thị trường đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015-2019, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPHCM. Trong giai đoạn 2015-2019, cán cân xuất nhập khẩu của TPHCM với các nước có FTA với Việt Nam cũng là nhập siêu, nhưng có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số FTA chưa được khai thác tốt. Điển hình như với khu vực ASEAN, sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, mức nhập siêu của TPHCM từ ASEAN có xu hướng tăng.

Tương tự với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết và tham gia 2 FTA với Hàn Quốc là AKFTA (có hiệu lực từ 6/2007) và VKFTA (có hiệu lực từ 20/12/2015). Từ năm 2007, TPHCM vẫn nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2016, sau khi VKFTA có hiệu lực, mức nhập siêu tăng mạnh và tiếp tục tăng qua các năm; mức nhập siêu năm 2019 gấp 1,89 lần năm 2015. Điều này phản ánh các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng ưu đãi từ VKFTA tốt hơn doanh nghiệp TPHCM.

“Thực tế trên cho thấy cơ hội từ các FTA và lợi ích doanh nghiệp tận dụng được là một khoảng cách không nhỏ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp còn chưa nắm được các thông tin cụ thể, thiết thực đối với mình. Do đó, chính quyền phải có hỗ trợ về thông tin chi tiết theo từng ngành hàng, thị trường. Thời gian qua đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức để cung cấp thông tin cho doanh  nghiệp. về các FTA. Đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Điển hình riêng CPTPP một năm có 560 hội thảo toàn quốc. Thậm chí trong1 tuần có 3 cuộc hội thảo lớn tại TPHCM. Tuy nhiên, các thông tin và nội dung mà các hội thảo này cung cấp chưa thực sự sau sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Thông tin còn bao quát, chung chung trong khi  doanh nghiệp lại cần thông tin cụ thể”, ông An nhấn mạnh.

Quy tắc xuất xứ là yếu tố tiên quyết

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đánh giá, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng đựợc lợi thế, cơ hội từ các FTA, xuất khẩu một số ngành hàng tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công. Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao.

Theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất để hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA là khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa, thông qua việc cấp các C/O ưu đãi. Tỷ lệ tận dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA tăng dần trong thời gian qua nhưng vẫn còn hạn chế, điển hình như Nhật Bản (form VJ) chỉ có 8% lượng hàng hóa XK vào thị trường này tận dụng được các C/O ưu đãi.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tốt hơn do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô và các quy tắc khác đối với nông sản chế biến. Trong khi đó, mặt hàng công nghiệp có tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao do quy tắc xuất xứ đối với nhóm hàng công nghiệp về cơ bản phức tạp và khó đáp ứng hơn.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI tại TPHCM cho rằng, khi Việt Nam ký kết một FTA thì có rất nhiều nghiên cứu đánh giá về  mức độ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu sẽ  đạt bao nhiêu theo các giai đoạn. Tuy nhiên nhưng vấn đề lớn là tuyên truyền nhiều nhưng không cụ thể chính vì thế doanh nghiệp không thể tận dụng. Do đó, nếu chúng ta chỉ tuyên truyền về “màu hồng” của các FTA  thì doạnh nghiệp lại không biết phải làm gì để được hưởng lợi ích.

Để tận dụng được lợi ích từ các FTA, doanh nghiệp cần xem mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? Đó là lộ trình cắt giảm thuế quan đã được liệt kê đầy đủ trong Hiệp định. Đó là quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi hàng hoá, Tuy quy tắc xuất xứ là một vấn đề kỹ thuật rất phức tạp và rất dài nhưng không có nghĩa là không thể nghiên cứu. 1 tới 3 nhóm hàng đó cũng chỉ tập trung vào vài mã HS. Đó là mấu chốt các doanh nghiệp cần tìm hiểu. Các doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào quy định xuất xứ của mặt hàng của mình đi vào đúng trọng điểm mặt hàng của mình trong quy định biểu thuế.

Một quy định nữa cần quan tâm là bên cạnh ưu đãi thuế thì nước nhập khẩu đưa ra một loạt hàng rào kỹ thuật, Cụ thể như đối với EVFTA là các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), ngoài ra còn có  các quy định về chống đánh bắt thuỷ hải sản bất hợp pháp, chống khai thác rừng bất hợp pháp… Tất cả các hàng rào kỹ thuật này đều tác động đến sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối không cho nhập khẩu, không cho  hưởng ưu đãi. Nhưng các quy định nêu trên vốn đều đã được quy định trong Hiệp định khung của WTO và trong EVFTA chỉ là nhấn mạnh lại chứ không phải là quy định mới và nếu nó ở trong WTO nghĩa là Việt Nam đã tuân thủ rồi. Đa phần các doanh nghiệp khi xuất khẩu đều hiểu hơn cả các cơ quan chức năng về tác động của các hàng rào phi thuế quan. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất để hưởng ưu đãi từ các FTA vẫn là doanh nghiệp cần tập trung tìm hiểu thông tin về mã hàng của mình và các quy định liên quan đến các mã hàng đó. Cốt lõi của việc hưởng ưu đãi thuế vẫn là quy tắc xuất xứ, trong trường hợp có vướng mắc, hàng hoá không đáp ứng phải mở rộng thêm theo các quy định khác. Do vậy các doanh nghiệp cần đi từng bước một có lộ trình cụ thể.

Khẳng định việc đáp ứng quy tắc xuất xứ là yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ EVFTA, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho rằng, nếu doanh nghiệp không nắm rõ về quy tác xuất xứ thì hàng hoá làm ra đi sang thị trường của đối tác có FTA cũng không được hưởng thuế. Quy tắc xuất xứ là vấn đề kỹ thuật khó khăn. Nếu doanh nghiệp không nghiên cứu sẽ không làm được. Quy tắc xuất xứ không chỉ tiêu chí xuất xứ của sản phẩm đó mà còn  quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất tới nơi giao hàng có đảm bảo nguyên trạng hay không? thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ có phù hợp hay không? Chỉ cần vi phạm một trong các quy định đó là hàng hoá  không được hưởng  ưu đãi. Do vậy, vấn đề quy tác xuất xứ cần được phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp để tận dụng tới nơi, tới chốn. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý. Đối với các quy tắc xuất xứ khó đáp ứng, một số Hiệp định cho phép các công cụ khác để doanh nghiệp vượt qua như cộng gộp… doanh nghiệp cần phải biết để vượt qua các rào cản về quy tắc xuất xứ.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển từ C/0 giấy sang tự chứng nhận xuất xứ thì doanh nghiệp có thể làm hay không? Hiện Bộ Công Thương vẫn còn bảo lưu chưa cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Trong khi EU đã cho phép doạnh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ vào Việt Nam. Qua đây có thể thấy, với FVFTA  bên cạnh việc đào tạo cho doanh nghiệp có kiến thức về quy tắc xuất xứ, còn phải sớm tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thì mới có thể tận dụng hiệu quả của FTA.

Nguồn: Tạp chí Thương Trường