Trước khả năng tăng tốc trở lại của nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu vẫn là nhiệm vụ không thể coi nhẹ.

Chưa có số liệu chính thức của tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2010.

Hái quả hạn chế nhập siêu

Nhưng có nhiều dữ liệu ước tính nhập siêu cũng chưa tới 12,3 tỉ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu chỉ khoảng 17,3%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng phấn đấu 20%.

Nếu vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng bốn năm trở lại đây chúng ta hiện thực hoá được chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu (tăng khoảng 24,6%), đồng thời hạn chế nhập khẩu (chỉ tăng khoảng 19,3%) để kiềm chế nhập siêu.

Giá cả thế giới tăng mạnh cộng hưởng với tỷ giá USD/VND tăng có tác dụng như “chiếc phanh hãm” đặc biệt hữu hiệu đối với các hoạt động nhập khẩu.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê 11 tháng qua cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu 13 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có đủ số liệu thống kê về khối lượng và giá trị nhập khẩu (gồm lúa mì, xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, phân bón, chất dẻo, cao su, giấy, bông, sợi dệt, sắt thép, kim loại thường khác, ôtô và xe máy nguyên chiếc) trong 11 tháng qua đạt 22,649 tỉ USD, tăng 2,869 tỉ USD và 14,5% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, nếu quy về giá cùng kỳ, con số này co lại chỉ còn 17,845 tỉ USD, cho nên giảm 1,936 tỉ USD và 9,8%, còn so với kim ngạch nhập khẩu thực tế thì co lại tới 4,805 tỉ USD và 24,3%.

Nói cách khác, kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng qua vẫn tăng khá mạnh chủ yếu là do bị giá cả thế giới khuếch đại lên, còn về số lượng thực tế vẫn giảm mạnh.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tăng, buộc các doanh nghiệp phải đắn đo hơn trong các hoạt động kinh doanh nhập khẩu của mình.

Khả năng thay thế hàng nhập?

Liệu có thể có tình trạng nhu cầu về lượng hàng hoá của nền kinh tế vẫn tăng, nhưng khối lượng hàng hoá nhập khẩu lại có thể giảm?

Các kết quả tính toán về những mặt hàng có đủ số liệu thống kê nói trên từ năm 2003 đến năm 2009 cho thấy, nhịp độ tăng về khối lượng nhập khẩu trong giai đoạn này bình quân 8,9%/năm. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2005, khi giá thế giới năm thứ hai liên tiếp tăng vượt xa ngưỡng 20% (năm 2003 tăng 11,6%, năm 2004 tăng đột biến 23,7%, năm 2005 tiếp tục tăng 24,3%), nhập khẩu các mặt hàng này giảm nhẹ 0,2%, còn trong năm 2008, khi giá thế giới tăng kỷ lục 27,5%, nhập khẩu cũng giảm kỷ lục 2,2%.

Thế nhưng, sau hai thời điểm “tạm nghỉ dưỡng sức” này, nhập khẩu đã tăng tốc rất mạnh trở lại, với con số nhịp tăng bình quân gần 9%/năm trong vòng sáu năm gần đây.

Những điều nói trên có nghĩa là, hiện có căn cứ để suy đoán tồn kho hàng hoá nhập khẩu đã và đang giảm, cho nên nhập khẩu sẽ “tăng bù” để đủ đáp ứng nhu cầu khi giá thế giới rẻ hơn, thậm chí quá trình này sẽ diễn ra ngay cả khi giá thế giới vẫn còn cao, nhưng tồn kho đã cạn. Nếu vậy, nhập siêu trong những tháng tới vẫn có thể tăng mạnh trở lại.

Trong dài hạn, với thực lực của nền kinh tế nước ta đã mạnh hơn, với ngày càng nhiều mặt hàng có thể tự túc được như xăng dầu, thì hy vọng nhập siêu sẽ từng bước bớt căng thẳng.

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị