Có hai chữ “số” quan trọng: “Trong đời, không ai tránh khỏi số phận cũng như doanh nghiệp không thể không… số hóa”.

Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khi nói về chuyển đổi số, số hóa trong doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, xác định tầm nhìn Việt Nam phải trở thành quốc gia số và đi tiên phong trong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình chuyển đổi số quốc gia tích hợp với chương trình phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo thành những trụ cột, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh dịch bệnh COVID đang gây nên những khủng hoảng mang bình diện toàn cầu.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn những yêu cầu tiên quyết của chuyển đổi số trong thương mại?

Chuyển đổi số giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới, chúng ta có thể thấy rằng, trong các thế kỷ trước đây, khi chưa có nền tảng điện tử, thì hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới là lãnh địa riêng của các doanh nghiệp lớn. Chỉ những doanh nghiệp lớn, mới có điều kiện tiếp thị và tổ chức kinh doanh xuyên biên giới và thống lĩnh nền thương mại toàn cầu. Chỉ từ khi phát minh ra internet và các nền tảng thương mại điện tử ra đời, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có được cơ hội chắp cánh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành chủ nhân bình đẳng với doanh nghiệp lớn trong nền thương mại toàn cầu.

- Như ông nói, chuyển đổi số mang lại cơ hội kinh doanh trên bình diện toàn cầu?

Đúng vậy! Tôi vẫn thường lấy ví dụ: Một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York, hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris.

Thời điện tử, thời chuyển đổi số, "bà đồng nát" cũng có thể lên internet để bán hàng.

Thương mại điện tử hiện thực hoá nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Cả người mua và bán hàng đều có thể “cưỡi mây, về gió” như Tề Thiên Đại Thánh trên không gian số của nền kinh tế thế giới.

- Nhưng theo tôi, điều đó không chỉ là cơ hội?

Thị trường toàn cầu, khách hàng toàn cầu là cơ hội và là thách thức với cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các gia đình ở Việt Nam có thể mua táo ở trên cành ở một nhà vườn ở phương Tây và ngược lại các gia đình ở phương Tây thậm chí có thể đặt hàng mua hoa tươi còn đẫm sương trong vườn hoa của hộ kinh doanh nhỏ ở thành phố mộng mơ Đà Lạt.

Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất theo phương thức C2B chứ không chỉ là B2C, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm được tiếp thị bởi nhà sản xuất sẽ trở thành xu thế toàn cầu.

Trong nền thương mại mới như vậy, không chỉ có việc người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho mình mà còn có thể tương tác với người sản xuất, biến thị trường toàn cầu thời hiện đại trở về gần với “cái chất” nguyên thủ của “chợ quê”- không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là một không gian giao tiếp xã hội giữa con người với con người.

May đo sẽ thay thế cho may sẵn, độc bản, sự khác biệt và tinh tế sẽ lên ngôi. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sẽ song hành và trong tương lai sẽ thay thế dần cho doanh nghiệp lớn chuyển sản xuất hàng loạt trên thị trường thế giới.

Đó không phải là những câu truyện kể từ "kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" hay các bộ phim khoa học viễn tưởng ở Châu Âu hay Châu Mỹ mà là thực tế đang được cảm nhận, được ngộ ra của tất cả chúng ta trong một thế giới đang biến đổi khôn lường nhưng cũng rất thú vị. Đó chính là xu thế không thể nào đảo ngược trong dòng chảy cuộc đời.

- Hiện toàn cầu đang trong giai đoạn “COVID thứ 3”, theo ông, Việt Nam cần làm gì?

"Những tháng ngày Covid" cũng cho chúng ta thấy không gian trực tuyến quan trọng đến dường nào đối với tất cả chúng ta. Làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến và cả yêu … trực tuyến. COVID -19 là sự cảnh báo của tự nhiên đối với con người đang đòi hỏi chúng ta phải phát triển sáng tạo hơn nhưng cũng phải nhân văn hơn, bao trùm hơn và chuyển đổi số là cuộc cách mạng tiếp theo của nhân loại hướng tới mục tiêu này: Chuyển đổi số vì mục đích nhân văn.

Là vấn đề công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.

- Còn doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ở thời điểm này, mà vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để show diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức - tài chính và chỉ định giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt “cánh tay phải” của Ban lãnh đạo - một nhân vật có tầm ảnh hướng tới định hướng và định hình của doanh nghiệp trong tương lai.

- Hiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam lên tới 200%, chuyển đổi số cần thay đổi thế nào, thưa ông?

Do tầm quan trọng của kinh tế số, thương mại điện tử, nên EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có một chương riêng quy định về vấn đề này. Thương mại điện tử là một trong những công cụ quan trọng nhất bảo đảm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tham gia và hưởng lợi trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Và đây là yêu cầu cốt lõi bảo đảm thành công bền vững cho tiến trình hội nhập.

Để thúc đẩy quá trình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành, hiệp hội có liên quan thực hiện các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chương trình phát triển các sản phẩm công nghệ số make in Việt Nam.

VCCI cũng đã chọn chủ đề "chuyển đổi" số cho các sự kiện quan trọng bậc nhất cho giới doanh nghiệp trong năm ASEAN 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư (ASEAN BIS) và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) lấy các chủ đề "ASEAN số, bền vững và bao trùm" và "Việt Nam số hoá chủ động thích ứng và phát triển bền vững". Và VCCI cũng đã đề xuất và được các quốc gia ASEAN đồng thuận sáng kiến thành lập "mạng lưới khởi nghiệp ASEAN" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trao giải thưởng "Ngôi sao số ASEAN" cho các doanh nghiệp công nghệ số ASEAN. Rất trân trọng mời tất cả các quý vị, các anh chị em tham gia những sự kiện doanh nghiệp khu vực quan trọng bậc nhất này.

Cũng về phương châm hành động cho doanh nghiệp trong hội nhập EVFTA, CPTPP... tôi muốn tặng các doanh nghiệp mấy câu phương châm:

Phát triển bền vững ở trong tim - Và chuyển đổi số ở trong đầu.

- Xin cảm ơn ông, chúc cho các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp