Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và cản trở hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) đã tổ chức Hội nghị cấp cao về kinh doanh trực tuyến và Hội chợ triển lãm ảo Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương lần đầu tiên từ ngày 4-6/8.

Tham dự lễ khai mạc sự kiện này có ông Hardeep Singh Puri, Quốc vụ khanh (phụ trách độc lập) Bộ Đô thị và Nhà ở, Bộ Hàng không dân dụng, kiêm Quốc vụ khanh Bộ Công Thương Ấn Độ cùng các quan chức khác trong Chính phủ Ấn Độ, lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp của 14 nước ASEAN, châu Đại Dương và Ấn Độ. Hội nghị và hội chợ theo dự kiến sẽ tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực gồm Công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế; Nông sản và các sản phẩm liên quan; Năng lượng, năng lượng tái tạo, điện; Chuỗi cung ứng và logistics/kho vận; Thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; Chuỗi giá trị sản xuất.

Trong khuôn khổ hội nghị có các phiên họp giữa lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ và 14 nước ASEAN, châu Đại Dương, phiên dành riêng cho các nước tham dự như Việt Nam, Singapore…, hội nghị bàn tròn giữa giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ các nước tham dự, cùng các phiên thảo luận chuyên đề về 6 lĩnh vực nêu trên.

Phát biểu tại phiên họp giữa các đại sứ, lãnh đạo cơ quan đại diện ngoại giao với chủ đề “Kết nối và hội nhập khu vực”, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khẳng định kinh tế số sẽ giúp tăng cường kết nối và hội nhập khu vực Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương. Đại sứ nêu rõ dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Thủ tục hành chính phức tạp tại mỗi nước cũng phần nào gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Bởi vậy, chính phủ các nước cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống hành chính để giúp tăng cường kết nối và hội nhập khu vực Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, để khắc phục những trở ngại do tình hình dịch bệnh gây ra đối với dòng thương mại quốc tế, đòi hỏi quyết tâm chính trị của tất cả các nước trong khu vực. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, các cơ quan hành chính cần tích cực hỗ trợ giải quyết vướng mắc. Gần đây, do dịch bệnh trên, Ấn Độ đã chuyển sang cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (e-CO). Việc này chưa được quy định trong Hiệp định thương mại tư do ASEAN - Ấn Độ, song với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đồng hành cùng Ấn Độ và các nước trong khối giải quyết được vướng mắc này.

Song song với hội nghị cấp cao về kinh doanh cũng diễn ra hội chợ triển lãm trực tuyến tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực nêu trên. Dự kiến có khoảng 200 doanh nghiệp Ấn Độ và các nước tham gia trưng bày, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của mình. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức gian hàng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự và quảng bá các sản phẩm, chủ yếu là dược phẩm và thiết bị y tế, bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tới các khách hàng và đối tác tiềm năng ở Ấn Độ cũng như các nước khác trong khu vực.    

Trong thời gian diễn ra hội chợ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ cũng tổ chức các cuộc giao thương, kết nối kinh doanh trực tuyến, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trao đổi thông tin và thăm dò cơ hội hợp tác kinh doanh.

Nguồn: Báo Tin tức