Trung Quốc đang bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thiết kế ban đầu của CPTPP dưới tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trọng tâm trong chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm củng cố ảnh hưởng tại khu vực châu Á. 

Bài phân tích của tác giả David Uren từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, đăng trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nói về mối quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong một phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) vào cuối tháng Năm, nói rằng Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc ký kết Hiệp định CPTPP.

Bình luận của ông được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhắc lại sau đó. Ông Cao Phong nhấn mạnh rằng hiệp định này phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 đã thực hiện lời hứa khi tranh cử là rút Mỹ khỏi TPP. Từ thời điểm đó, Australia và Nhật Bản đã thúc đẩy 11 thành viên còn lại ký kết Hiệp định, được đổi tên thành CPTPP mà không có Mỹ.

Thế giới thực sự khó hiểu khi lưỡng đảng ở Mỹ phản đối TPP sau khi chính nước này đã thiết kế hiệp định phục vụ lợi ích chiến lược quốc gia và coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một quan điểm phổ biến tại Mỹ rằng các hiệp định thương mại là yếu tố gây bất lợi cho lĩnh vực sản xuất và chất lượng cuộc sống của người Mỹ.

TPP đã được kỳ vọng là một hiệp định thương mại khu vực tiên tiến nhất thế giới với các điều khoản bao gồm thương mại kỹ thuật số, bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền đầu tư, tiêu chuẩn môi trường và lao động, cùng với sự minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Các thành viên còn lại của TPP ngoài Mỹ là Australia, New Zealand, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Việt Nam và Singapore.

Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP, một số thành viên còn lại đã thỏa thuận về việc đình chỉ một loạt điều khoản gây tranh cãi mà Mỹ đã muốn áp đặt, bất chấp sự phản đối của các thành viên khác.

Những điều khoản này bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn nhiều đối với dữ liệu, vật liệu sinh học, bản quyền và các sàng lọc đối với các sản phẩm dược phẩm hiện có. Các quy định giúp các công ty dầu mỏ của Mỹ có thể dễ dàng kiện các chính phủ nước ngoài cũng bị đình chỉ.

Tuy nhiên, Hiệp định mới CPTPP vẫn bao gồm các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ tiên tiến cũng như các tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Hiệp định CPTPP cũng bao gồm một điều khoản sâu rộng đối với các SOE, hạn chế các doanh nghiệp này nhận tài trợ ưu đãi và ưu tiên tiếp cận các hợp đồng của chính phủ, qua đó dành sự ưu đãi cho các doanh nghiệp địa phương. CPTPP cũng yêu cầu mức độ minh bạch cao hơn.

Các cải cách kinh tế của Trung Quốc đã tiếp tục được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình ở một số lĩnh vực.

Có sự tiếp cận lớn hơn đối với đầu tư nước ngoài, quy định tốt hơn về hệ thống tài chính và bảo vệ sở hữu trí tuệ được cải thiện và thực tế rằng Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lớn với nhiều bằng sáng chế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nỗ lực rất ít trong việc áp đặt kỷ luật thị trường lớn hơn đối với các SOE.

Những ưu đãi dành cho các SOE của Trung Quốc đã nổi lên như một vấn đề chính trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận đầu tư song phương.

Cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào tháng trước đã không ghi nhận kết quả nào rõ rệt, không có thông cáo nào được đưa ra và các cuộc đàm phán tiếp theo đã kết thúc trong bế tắc.

EU đang thúc đẩy kêu gọi không phân biệt đối xử đối với các khoản đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc, cùng với việc chấm dứt trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc và minh bạch hóa đối với SOE.

EU cũng muốn loại bỏ các yêu cầu liên quan đến đầu tư nước ngoài phải thông qua liên doanh và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Về phần mình, Trung Quốc muốn có quyền truy cập được đảm bảo khi các công ty của nước này đầu tư vào châu Âu, bao gồm cả cơ sở hạ tầng. Trong khi Bắc Kinh hứa sẽ quay trở lại với các đề xuất cải cách, EU đang củng cố lập trường về sàng lọc đầu tư của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Giang Trạch Dân vào những năm 1990, Trung Quốc đã sử dụng việc gia nhập WTO như một đòn bẩy để thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng dù cho vẫn có sự phản đối trong nước.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình không thể hiện sự nhiệt tình như vậy trong những cải cách hiện nay. Trung Quốc có thể gây bất ngờ với những cải cách đối với SOE để đáp ứng những yêu cầu của EU đồng thời đáp ứng các yêu cầu như vậy của CPTPP.

Bắc Kinh có thể cảm thấy sự cần thiết của việc bảo vệ quyền thương mại và đầu tư toàn cầu của quốc gia này trong bối cảnh các chính phủ phương Tây đang ngày càng bày tỏ sự lo ngại đối với mối đe dọa tiềm ẩn trong sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mô hình của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy lợi ích kinh tế sẽ rất lớn nếu Trung Quốc tham gia CPTPP. Ở mô hình hiện tại, các quốc gia thành viên sẽ đóng góp vào tăng trưởng thu nhập toàn cầu gần 150 tỷ USD/năm. Con số đó sẽ tăng gấp bốn lần, lên 632 tỷ USD/năm nếu Trung Quốc tham gia.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ có được nhiều lợi thế từ việc tham gia Hiệp định. Một trong những điều quan trọng nhất là chuỗi cung ứng khu vực cần được đảm bảo bằng việc cắt giảm thuế quan giữa các thành viên với nhau. Các quy tắc về xuất xứ cũng đòi hỏi hàng hóa được miễn giảm thuế phải được sản xuất trong phạm vi các nước thành viên.

Đây cũng là một lợi ích xuất phát từ một hiệp định thương mại lớn khác trong khu vực, dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định này được cho là sẽ làm giảm khả năng của Mỹ trong việc phá vỡ giao dịch hàng hóa công nghệ cao với Trung Quốc.

Mỹ đang quan tâm đến những diễn biến này trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra ý tưởng về một mạng lưới kinh tế thịnh vượng bao gồm các quốc gia Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam với mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng mà không bao gồm Trung Quốc.

Tuy nhiên, khó có thể hình dung một nhóm thương mại như vậy lại được củng cố bởi một chính quyền với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là “Nước Mỹ trước tiên” và đã theo đuổi thỏa thuận thương mại song phương của riêng Mỹ với Trung Quốc.

Đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, ông Joe Biden, cho biết ông sẽ xem xét về việc đưa Mỹ tham gia CPTPP nếu các điều khoản của hiệp định này được cải thiện. Sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP sẽ tạo thêm động lực cho Mỹ xem xét việc này.

Nguồn: Bnews