(LĐ) - Như tin đã đưa, WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) vừa đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 – 2011 tại một số nước Châu Âu với dụng ý khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm khác thay thế vật nuôi này.

Tuy nhiên, không những không đưa ra được bằng chứng chứng minh, WWF còn đi ngược lại chính mình khi tại một số cẩm nang,  họ xếp cá tra vào cả 3 danh sách đỏ, xanh và vàng.

Người mù sờ voi

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) - thủ phủ của nghề nuôi cá tra Việt Nam - đã không kiềm được bức xúc ngay sau khi chúng tôi đề cập đến chuyện WWF đưa cá tra vào DSĐ: "Đây là việc làm tùy tiện như người mù sờ voi trong câu chuyện tiếu lâm". Bởi ngoài việc không đưa được bằng chứng cụ thể để chứng minh cho những lý do mà họ xếp cá tra vào DSĐ, như: Sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong chăn nuôi..., phán quyết của WWF còn chà đạp lên thực tiễn của ngành nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam đã được nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế công nhận, chứng nhận và ủng hộ.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, không chỉ có các DN chế biến đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, mà nhiều vùng nuôi cũng đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, như: SQF, GlobalGAP... Vì thế, sản phẩm cá tra không chỉ được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, mà có đến hơn 35% trong số này được xuất vào các thị trường có hàng rào kiểm soát rất khắt khe về các điều kiện ATVSTP như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Với việc tùy tiện đưa cá tra Việt Nam và DSĐ, WWF không chỉ “bắn súng lục” vào nhiều tổ chức quốc tế, mà còn tự “nã đại bác” vào chính mình, bởi theo ông Lê Chí Bình, ngay trong các cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản tại một số nước thuộc cộng đồng Châu Âu, WWF vừa xếp cá tra vào trong cả 3 danh sách đỏ, xanh và vàng.

"Trò đùa" hiểm ác? 

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên sản phẩm cá tra Việt Nam bị “bôi bẩn” nếu tính từ thời điểm vươn lên và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới bằng thế vượt trội: Chất lượng cao - giá rẻ. Ngay từ năm 2003, con cá tra Việt Nam đã liên tiếp bị sử dụng hàng rào thuế quan chèn ép bằng cách áp mức thuế cao. Tuy nhiên, sau thời gian dài “đánh phá” mà vẫn không “hạ gục” được, nên nhiều quốc gia tiếp tục dùng hàng rào kỹ thuật như: Dựng chuyện cá tra được nuôi trong môi trường nước ô nhiễm... để tấn công. Tuy nhiên theo ông Bình, những cuộc tấn công đó, tuy có lúc gây không ít khó khăn cho sự phát triển của cá tra Việt Nam, nhưng vẫn không đáng ngại bằng cuộc bôi bẩn tàn độc như lần này. Đây là thời điểm con cá tra Việt Nam sẽ phải đối mặt với thủ đoạn hiểm ác và thâm độc hơn bao giờ hết. 

Trò bôi bẩn của WWF không chỉ gây tâm lý hoang mang không đáng có cho người tiêu dùng trên thế giới, mà còn đe dọa nghề nuôi cá tra Việt Nam.

Có thể nói, vận mệnh con cá tra Việt Nam đang mong manh như chiếc thuyền nan giữa đại dương. Vì thế thông tin bôi bẩn này như lượn sóng đe dọa những hy vọng nhỏ nhoi về cơ hội hồi sinh làng nghề trong tương lai.

Trong khi đó, tuy thành lập rất nhiều tổ chức như: Hiệp hội thủy sản tại nhiều tỉnh, rồi Vasep, hội nghề cá, ban điều hành..., nhưng do hoạt  động rời rạc, thiếu hành lang pháp lý... dẫn đến tình trạng không ai bênh vực kịp thời, đấu tramh đến nơi đến chốn khi cá tra bị bắt nạt.

Theo ông Bình, hơn lúc nào hết, cá tra Việt Nam đang rất cần chỗ dựa thực chất để có thể tránh được những cuộc bôi bẩn không đáng có như phán quyết của WWF. 

Ngày 8.12 họp bàn giải quyết vụ WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ 

Tin từ Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) ngày 6.12 cho biết, đến ngày 8.12, Tổng cục Thuỷ sản sẽ có cuộc họp bàn chính thức đầu tiên với WWF VN để giải quyết vụ việc cá tra bị đưa vào danh sách đỏ WWF. Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, thì “Nếu WWF không đưa ra được chứng cứ xác đáng, chúng tôi đề nghị họ phải có cải chính. Sau việc này, chúng tôi đề nghị khi tiến hành đánh giá phải có cách thức phù hợp giữa hai bên để không xảy ra sự cố này. Trong khi đó sáng nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) cũng tổ chức buổi họp báo chính thức để phản đối việc  WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ.   

Nguồn: Lao động