Trong chiều 2/5, rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân đã được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019. Một số vấn đề được tháo gỡ ngay tại đây, một số vấn đề sẽ được tổng hợp để gửi tới các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thị trường hàng không: Cơ hội mở rộng cho các doanh nghiệp tư nhân
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 chiều 2/5, bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air đưa ra ý kiến, Chính phủ, Bộ Giao thông, Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
"Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh"- Bà Nguyễn Thanh Hà nói.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông là mạch máu của ngành kinh tế, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, kinh tế tăng trưởng đến đó, thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư vào giao thông khá tốn kém.
Lấy ví dụ về một số tập đoàn tư nhân tiên phong trong việc đầu tư hạ tầng như sân bay Vân Đồn do Sun Group xây dựng hay Vietjet xây dựng hạ tầng hàng không... ông Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Hiện nay, Bộ Giao thông, vận tải đang kêu gọi xây dựng sân bay Sapa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La)... và sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nếu có phương án hợp lý. Bộ Giao thông, vận tải cũng đang đề xuất đề án phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân phát triển hạ tầng giao thông.
Thực hiện chính sách visa nhằm đảm bảo tính chất có đi có lại
Trước nhiều đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam nêu ra trong hội thro chuyên đề du lịch sáng 2/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho hay, ông Dũng khẳng định Bộ Ngoại giao luôn sát cánh với ngành du lịch trong quảng bá Việt Nam ra nước ngoài.
Theo ông Tô Anh Dũng, hiện Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia và áp dụng cấp visa điện tử cho 8 nước. Tuy nhiên chính sách cởi mở thị thực còn một số hạn chế xuất phát từ việc Việt Nam có hơn 10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Nhận định công dân Việt Nam rất khó để xin visa, ông Tô Anh Dũng cho biết đây được xem là lưu ý khi thực hiện chính sách thị thực nhằm đảm bảo tính chất có đi có lại cũng như quyền lợi của công dân Việt.
Về chính sách đơn phương mở thị thực cho một số quốc gia theo đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao cho rằng cần đảm bảo nhiều nguyên tắc và tính tổng thể như an ninh quốc gia, an toàn xã hội, có đi có lại…
Hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về đơn phương miễn thị thực cho các quốc gia theo lộ trình, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và nhiều đơn vị liên quan đang xây dựng cơ chế chính sách trong việc nhập - xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch.
Cần có những con sếu đầu đàn trong nền kinh tế tư nhân
Kết thúc phiên đối thoại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng, để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, theo thống kê, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40%, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, Thủ tướng đã từng nói, cần xây dựng những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đội thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính.
Song song với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hoá.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, các ý kiến của doanh nghiệp tại buổi đối thoại sẽ được tổng hợp, gửi tới các cơ quan liên quan để có những câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Báo Tổ quốc
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Mỹ sẽ thông báo mức thuế quan mới từ ngày 4/7
- Tổng thống Trump: Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
- Mỹ sắp “kích hoạt” lại thuế quan: Ai sẽ kịp xoay chuyển?
- Mỹ thu hẹp trọng tâm thương mại để đảm bảo các thỏa thuận trước thời hạn áp thuế