Mỹ đã kiện lên tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2005 về chuyện chính phủ EU hỗ trợ Airbus, vi phạm thoả thuận từ năm 1992 về việc khống chế mức bao cấp của chính phủ trong sản xuất máy bay thương mại. Sau sáu năm phân xử, phán quyết sơ bộ của WTO hôm 15.9 khiến Mỹ bất ngờ.
Chính Mỹ đã vi phạm thoả thuận 1992! WTO phán quyết rằng Boeing đã nhận những khoản tài trợ không công bằng của chính phủ, ít nhất là 5 tỉ USD từ các khoản tiền mà bộ Quốc phòng Mỹ và cơ quan NASA thanh toán cho hãng này. WTO xem các khoản thanh toán này là tiền tài trợ giúp cho Boeing có lợi thế cạnh tranh so với Airbus.
Sáu năm kiện tụng
Vụ kiện bắt đầu năm 2005 khi Mỹ kiện với WTO rằng các nước châu Âu đã tài trợ cho Airbus hơn 20 tỉ USD một cách đáng ngờ, bao gồm 15 tỉ cho vay lãi suất thấp để chế tạo các phản lực cơ dân dụng. EU kiện lại rằng Boeing được hỗ trợ khoản 24 tỉ USD dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ các cấp tiểu bang và liên bang của Mỹ, bao gồm 3,2 tỉ USD miễn thuế của tiểu bang Washington nơi Boeing đặt nhà máy lắp ráp máy bay.
Những người ủng hộ Boeing tháng 6 vừa qua đã hoan hỉ khi WTO phán quyết rằng Airbus sử dụng những khoản tiền hỗ trợ để gây thiệt hại doanh thu của Boeing, WTO cho rằng nếu không có bao cấp của chính phủ thì “Airbus không thể nào đưa ra thị trường sớm như thế tất cả những kiểu máy bay mới đúng như thiết kế nguyên mẫu”.
Boeing đang cố làm chậm bước tiến của Airbus để bảo vệ doanh số từ những chiếc 787 Dreamliner. Đây là kiểu phản lực cơ thương mại đầu tiên làm bằng carbon tổng hợp trọng lượng nhẹ, hiện là máy bay đang bán chạy nhất của Boeing. Kể từ khi giới thiệu mẫu máy bay này năm 2007, đến tháng 9.2010, Boeing đã có 847 đơn đặt hàng nhưng chưa có chiếc nào xuất xưởng. Trong lúc đó, Airbus cũng huy động nhiều tỉ đôla từ các nước châu Âu để chế tạo máy bay A350 XWB tiết kiệm nhiên liệu cũng làm bằng carbon tổng hợp.
Những người ủng hộ Boeing cũng dùng vụ kiện này để tác động với bộ Quốc phòng Mỹ tránh cho Airbus có khả năng thắng trong vụ đấu thầu hợp đồng 35 tỉ USD cung cấp máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Không chịu thua, các quan chức thương mại EU phản ứng rằng chính các hợp đồng nghiên cứu quân sự đã giúp Boeing đi trước trong việc chế tạo máy bay bằng vật liệu tổng hợp. Phía EU cho rằng Boeing là “đạo đức giả” khi nhận trợ cấp từ chính phủ mà lại “chơi ép” Airbus trong vụ đấu thầu nói trên.
Phán quyết mới nhất của WTO là thắng lợi cho Airbus. Theo WTO, những khoản vay hỗ trợ của EU sẽ không vi phạm thoả thuận 1992 nếu xúc tiến theo những điều khoản thương mại. Tuy nhiên, WTO không có cơ chế thực thi phán quyết. Kết quả cuối cùng sẽ được dàn xếp qua các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Mỹ và EU.
Không đội trời chung
Cuộc chiến giữa Airbus và Boeing nảy sinh khi thị trường phản lực cơ dân dụng thế giới chỉ còn hai công ty khuynh đảo từ đầu những năm 1990. Đó là hệ quả của vô số vụ kinh doanh thất bại và sáp nhập trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu nửa cuối thế kỷ trước. Airbus ra đời năm 1967 trong hình thức liên minh các hãng sản xuất máy bay châu Âu để cạnh tranh với các đối thủ Mỹ như Boeing và McDonnell Douglas. Còn Boeing ra đời từ 1916 và lớn mạnh dần nhờ mua lại các hãng sản xuất máy bay cạnh tranh của Mỹ.
Airbus sau nhiều năm yếu thế đã qua mặt Boeing. Trong mười năm từ 2000 đến 2009, Airbus có được 6.452 đơn đặt hàng trong khi Boeing có 5.927. Nhưng từ 2003 đến 2009, số máy bay Boeing giao cho khách hàng lại nhỉnh hơn Airbus: 3.950 so với 3.810. Năm vừa qua Airbus có 271 đơn đặt hàng còn Boeing chỉ có 142.
So kè từng chút một, cả hai hãng đều đặt cược tương lai vào hiệu quả kinh doanh của hai kiểu máy bay mới – Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350 XWB. Phán quyết của WTO giờ gây khó khăn hơn cho Boeing.


Nguồn: Cổng Thương vụ