Ngày 15/9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 về việc áp thuế đối với cá tra Việt Nam tiêu thụ tại thị trường nước này, trong giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009.

Theo đó, DOC sẽ áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hiệp hội đang thuyết phục các doanh nghiệp tiêu thụ cá tra, các nhà sản xuất ngũ cốc của Mỹ đứng về phía Việt Nam trong vụ kiện này.

Vì sao Mỹ lại chọn quốc gia thay thế khi tính giá thành sản xuất cá của của Việt Nam? Và năm 2008-2009 đã qua rồi, sao bây giờ mới công bố thuế cho thời gian đó, thưa ông?

Là vì phía Mỹ cứ để cho các doanh nghiệp tự do đưa hàng vào nước này, một năm sau mới công bố mức thuế mà các doanh nghiệp phải nộp. Bây giờ Mỹ mới áp thuế cho cá tra tiêu thụ năm 2008-2009. Nếu chịu thuế chống bán phá giá hơn 100%, tức là nguy cơ tiền thuế nhiều doanh nghiệp phải nộp sẽ cao hơn cả tổng doanh thu bán hàng.

Trong ngành thủy sản của nước ta, sản lượng do các doanh nghiệp nhà nước sản xuất chiếm chưa tới 1% thị phần. Nhưng họ nói rằng, vẫn có những yếu tố không phải do doanh nghiệp quyết định, như giá than, giá điện... còn nông dân nuôi cá, tư nhân 100%, nhưng vì nuôi trên đất Việt Nam thì họ vẫn bảo là phi thị trường. Bởi vậy, khi tính giá thành để so sánh với giá bán Mỹ lấy một nước khác được coi là có nền kinh tế thị trường để thay thế trong tính toán.

Lần này, Mỹ lấy Philippines. Ngành cá tra của Philippines rất nhỏ lẻ và sơ khai, Philippines mỗi năm chỉ sản xuất được 12 tấn cá tra. Trong khi đó, Việt Nam có sản lượng cá tra năm 2008 đạt 1,5 triệu tấn, năm 2009 đạt 1,2 triệu tấn, cao gấp 100 nghìn lần Philippines. DOC tính rằng giá thành cá tra sống của Philippines là 2,38 USD/kg, trong khi giá thành nuôi ở nước ta chỉ là khoảng 0,8 USD/kg.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến DOC có động thái bất thường này?

Quyết định của DOC ra đời bởi sự vận động vụ lợi của Hiệp hội chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Năm 2002, các doanh nhân Mỹ phân phối cá tra Việt Nam đã quảng bá cá tra thuộc nhóm cá catfish (cá da trơn). Với ưu thế giá rẻ, nên cá tra đã chiếm rất nhiều thị phần truyền thống của cá nheo. Bởi vậy, CFA đã kiện đòi không được gọi cá tra là catfish.

Thế nhưng, dù không dán nhãn catfish, cá tra Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng thị trường tiêu thụ tại Mỹ. Từ năm 2008 đến nay, CFA lại vận động Bộ Nông nghiệp Mỹ coi cá tra cũng là catfish, trái với những điều mà CFA đã nói trước đây. Dự định của CFA là, sẽ lấy giá bán của cá nheo (vốn cao gấp hàng chục lần cá tra) để yêu cầu áp thuế chông bán phá giá cá tra.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bác bỏ đề nghị đưa cá tra vào nhóm catfish. Bởi vậy, CFA giở "bài" khác, là vận động DOC chuyển nước thay thế là Bangladesh sang lấy Philippines. Đứng đằng sau CFA là những thượng nghị sĩ rất có thế lực ở 4 bang miền Nam của nước Mỹ - đó là các bang rất mạnh về nuôi cá nheo, nên họ gây sức ép với DOC.

Kế hoạch của VASEP trong việc theo đuổi vụ kiện sẽ như thế nào, thưa ông?

Quyết định của DOC vừa rồi chỉ là quyết định sơ bộ đưa ra để hai bên phản biện, sẽ có buổi họp giữa các bên mới đi đến kết quả cuối cùng.

Ngày 5/10 là hạn cuối cùng để các bên nộp những tư liệu về giá trị thay thế, số liệu về xuất khẩu cá tra của từng doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 20/10/2010 là thời hạn cuối cùng để nộp các bản phản biện cùng ý kiến của các bên. Phiên họp hai bên dự kiến vào tháng 11/2010, kết quả cuối cùng dự kiến sẽ có vào tháng 3/2011.

VASEP đang thu thập và cung cấp cho DOC, nhằm thuyết phục DOC thay đổi khi ra quyết định cuối cùng. VASEP cũng thực hiện một chiến lược truyền thông, nhất là giới truyền thông Mỹ, vận động sự tham gia, từ người tiêu dùng Mỹ. Văn phòng Chính phủ đã chuyển công hàm cho phía Mỹ phản đối việc áp thuế chống bán phá giá. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã gặp Đại sứ Mỹ để bày tỏ sự quan ngại. VASEP cũng đã cử hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất đến Mỹ để cùng với luật sư bên Mỹ bàn bạc kế hoạch triển khai vụ kiện.

Chúng tôi cũng đang thuyết phục các doanh nghiệp tiêu thụ cá tra, các nhà sản xuất ngũ cốc của Mỹ đứng về phía Việt Nam trong vụ kiện này. Bởi vì không chỉ tiêu thụ tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã mua cá tra của chúng ta và đem bán ở nước thứ ba, thu lại lợi nhuận rất đáng kể.

Mặt khác, chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu của Mỹ để chế biến thức ăn chăn nuôi cho cá tra. Vì vậy, các hiệp hội ngũ cốc, bột cá, dầu đậu nành của Mỹ cũng hết sức quan tâm đến sự kiện này.

Nguồn: VnEconomy