Việc chính quyền Trump rà soát lại cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) có thể sẽ khiến một số quốc gia đang phát triển bị áp thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.

GSP là một chương trình liên bang cho phép miễn thuế đối với 4.800 sản phẩm từ linh kiện ô tô cho đến nữ trang xuất khẩu sang Mỹ từ 121 nước và vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thế giới đang phát triển.

Tạo sân chơi bình đẳng

Bắt đầu từ tháng 10/2017, Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) đã bắt đầu xem xét, đánh giá lại điều kiện của một số nước thuộc khu vực Đông Âu, Trung Đông và châu Phi để được hưởng ưu đãi GSP nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Hiện tại, có 10 quốc gia đang được hưởng lợi lớn nhất nhờ GSP gồm Ấn Độ, Thái Lan, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Nam Phi, Ecuador, Campuchia và Pakistan. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị chính quyền Trump cảnh báo sẽ rút ra khỏi danh sách những quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan theo GPS do Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp cho các nhà xuất khẩu Mỹ sự tiếp cận thị trường công bằng khi dựng hàng rào thuế quan đối với nhiều hàng hóa Mỹ.

Ngoài ra, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng đã được Mỹ cảnh báo có thể mất một số đặc quyền miễn thuế GSP.

Chủ động cân bằng thương mại

Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia - Bộ KH&ĐT, việc lo ngại Việt Nam có nằm trong danh sách rà soát GSP của USTR tại thời điểm này hay không vẫn còn quá sớm. Mặc dù vậy, Mỹ đang chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, nếu việc áp thuế của Mỹ tiếp tục mở rộng, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cũng bị ảnh hưởng lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ TQ, có nguy cơ cao bị Mỹ áp dụng rào cản thuế quan. Trong đó, những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ lớn như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị tác động nhiều nhất.

Theo thống kê, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam khoảng 32 tỷ USD. Ông Hiếu cho biết, đây cũng là "quả bom nổ chậm" nếu Mỹ thực sự dựng rào cản thuế quan đối với Việt Nam. Bởi vậy, việc chủ động cân bằng cán cân thương mại với Mỹ sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam tránh khỏi các thuế quan bảo hộ của Mỹ.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp