Hôm thứ Hai 24-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tương nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in đã cùng ký hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc (đã được đàm phán lại) bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York.

Đây là hiệp định tự do thương mại quan trọng đầu tiên mà Mỹ ký kết dưới thời Tổng thống D.Trump. Nhiều người kỳ vọng hiệp định này sẽ tạo ra tiền lệ để Mỹ tiếp tục giành được những thỏa thuận tương tự với các đối tác thương mại khác, kể cả Trung Quốc.

Xin nhắc lại rằng, hiệp định thương mại tự do song phương Mỹ-Hàn, gọi tắt là KORUS-FTA, đã được ký kết và thực thi dưới thời Tổng thống Barack Obama; nhưng ngay khi lên cầm quyền, ông Trump đã yêu cầu thương lượng lại hiệp định này, cũng như hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết với Canada và Mexico mà ông cho là gây thiệt hại nặng cho kinh tế Mỹ.

Một cột mốc lịch sử?

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Moon ngay sau lễ ký kết, ông Trump ca ngợi hiệp định mới là một “cột mốc lịch sử về thương mại” và cho rằng nó sẽ làm giảm thủ tục hành chính và gia tăng sự thịnh vượng cho cả Mỹ và Hàn Quốc. “Hai nước chúng ta đã nêu một tấm gương về tình hữu nghị và hợp tác về thương mại mà bạn ít khi nhìn thấy trong thời đại này”, ông Trump nói, theo Reuters. “Hôm nay là một ngày vĩ đại của Mỹ, cũng là một ngày vĩ đại của Hàn Quốc”, ông nói khi bước vào cuộc họp với Tổng thống Moon.

Hiệp định mới, gọi tắt là USKTA, quy định những bước đi để mở cửa thị trường Hàn Quốc để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa Mỹ, đặc biệt là xe hơi, cho phép mỗi hãng xe Mỹ được xuất vào Hàn Quốc tới 50.000 xe mỗi năm trong lúc Mỹ vẫn được tiếp tục áp thuế nhập khẩu 25% lên mặt hàng xe tải Hàn Quốc cho đến năm 2041. Hàn Quốc sẽ được đưa ra khỏi danh sách các nước phải chịu thuế nhập khẩu cao khi xuất khẩu sắt thép vào Mỹ, tuy nhiên nước này phải giới hạn lượng thép xuất khẩu không quá 70% mức bình quân hàng năm từ năm 2015 đến 2017. Mặt hàng nhôm của Hàn Quốc vẫn còn phải chịu thuế.

Tuy hiệp định mới được coi là một thắng lợi qua đàm phán của chính phủ Trump nhưng một số nhà phân tích vẫn cho rằng nó có quá ít những sự thay đổi căn bản so với hiệp định KORUS hiện hành vốn bị Tổng thống Trump kết tội đã làm mất đi hàng trăm ngàn việc làm của người dân Mỹ.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, hiệp định mới có quá ít điều khoản có thể làm thay đổi cán cân thương mại giữa hai nước theo hướng có lợi cho Mỹ - một mong muốn mà ông Trump thường nhắc đi nhắc lại. Thật ra, trước khi hiệp định USKTA được ký kết, thâm hụt thương mại của Mỹ về hàng hóa và dịch vụ trong buôn bán với Hàn Quốc đã giảm mạnh, từ mức 17 tỉ đô la Mỹ năm 2016 xuống còn 9 tỉ đô la năm 2017 do Hàn Quốc gia tăng nhập khẩu máy móc, khí đốt hóa lỏng và nhiều mặt hàng khác từ Mỹ, trong khi sắt thép của Hàn Quốc bị áp thuế cao nên lượng xuất khẩu của Hàn Quốc vào Mỹ giảm mạnh.

“Tổng thống đề cập tới hiệp định (hiện hành) như một thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay nhưng nhìn vào những điều đã được ký kết, dường như không có sự thay đổi ngoạn mục nào”, bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách thuộc Hội Châu Á, cựu thành viên chính phủ Obama tham gia đàm phán hiệp định Mỹ-Hàn, nhận định.

Một số tổ chức doanh nghiệp ca ngợi hiệp định mới như là một thỏa thuận đôi bên cùng thắng, nhưng không công nhận rằng nó tạo ra sự thay đổi đột phá. “Các nhà sản xuất công nghiệp vui mừng nhận thấy tổng thống đã tái cam kết gắn bó với quan hệ đối tác thương mại Mỹ-Hàn hôm nay. Một hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn vững chắc là điều thiết yếu cho công ăn việc làm của hàng trăm ngàn công nhân công nghiệp trên khắp nước Mỹ”, bà Linda Dempsey, Phó chủ tịch các vấn đề kinh tế quốc tế của Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất công nghiệp, nói với báo The New York Times.

Lối thoát cho nông nghiệp

Nhưng có lẽ ngành nông nghiệp Mỹ là người hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới.

Bloomberg nhận định việc ký kết hiệp định này là tin mừng cho các nông dân Mỹ, những người đang lo ngại việc đóng cửa các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ làm trầm trọng thêm tác động của sự rớt giá do nguồn cung tăng mạnh ở các sản phẩm như bắp, đậu nành, thịt bò, thịt heo và thịt gà. Việc ký kết hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc đang làm dấy lên niềm hy vọng rằng các thị trường xuất khẩu cho nông sản Mỹ sẽ chẳng những không bị đóng lại mà còn có triển vọng mở rộng hơn nữa. Có thể nói đây chính là lối thoát cho nông nghiệp Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang hiện nay.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của nông nghiệp Mỹ, mua vào lượng nông sản trị giá 6,9 tỉ đô la trong năm ngoái, theo số liệu của Liên minh Nông trại Mỹ. Hiệp định thương mại sẽ giúp đưa Hàn Quốc thành nhà nhập khẩu thịt bò Mỹ lớn thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. Xuất khẩu thịt heo của Mỹ dự báo cũng sẽ tăng nhanh.

Trong thông cáo báo chí hôm thứ Hai, ông Zippy Duvall, chủ tịch Liên minh, nói rằng: “Việc tái ký kết hiệp định thương mại với Hàn Quốc là tin tốt lành và là sự giúp đỡ cần thiết nhất cho các nông dân và nông trại của chúng tôi khi mà nền kinh tế nông nghiệp đang vật vã. Bảo đảm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm là tối quan trọng, và chúng tôi khuyến khích chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các hiệp định thương mại khác”. “Tôi lạc quan vì những quân cờ domino sẽ tiếp tục đổ xuống: xong KORUS sẽ đến một NAFTA mới và những hiệp định thương mại tự do mới với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và đáng để ý nhất là với Trung Quốc”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue phát biểu.

Một thông tin đáng lưu ý là Trung Quốc đang cố tình tấn công vào các vùng nông nghiệp ở trung tâm nước Mỹ, vốn ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa, trong cuộc thương chiến đang leo thang giữa hai nước. Hôm Chủ nhật, tờ nhật báo Des Moines Register có lượng người đọc lớn nhất của tiểu bang Iowa - vựa đậu nành của Mỹ - đã bán 4 trang trong phần quảng cáo để tờ báo Trung Quốc China Daily đăng các bài bình luận nhấn mạnh tác động tiêu cực của chính sách thuế của Tổng thống D.Trump lên các nông dân trồng đậu nành, coi đó là “kết quả của sự điên rồ của tổng thống” và cho biết tranh chấp thương mại đang buộc các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua đậu nành của các nước Nam Mỹ thay cho nguồn hàng từ Mỹ.

Tiểu bang Iowa đặc biệt bị tác động tiêu cực bởi chính sách thương mại của ông Trump và sự trả đũa của Trung Quốc, theo một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Mỹ. Lượng hàng xuất khẩu của tiểu bang bị ảnh hưởng bởi thuế suất tăng đã vượt quá 1 tỉ đô la, trong đó có 30,8 triệu đô la đậu nành. Tổng thống D.Trump thừa nhận tác động của chính sách thuế suất và biện pháp trả đũa đối với mặt hàng đậu nành và các nông sản khác; chính phủ Mỹ đã dành ra 12 tỉ đô la để hỗ trợ nông dân - bộ phận cử tri chủ yếu đã giúp đảng Cộng hòa giành thắng lợi ở các bang nông thôn năm 2016. Nhưng nhìn chung, ông Trump tin rằng, mọi nỗi đau khổ trong ngắn hạn đối với nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ là đáng chấp nhận, vì nếu không hành động chống lại Trung Quốc thì nước Mỹ sẽ tồi tệ hơn nữa trong dài hạn, một quan chức cao cấp trong chính phủ cho biết.

Chờ đợi các FTA mới

Hiệp định thương mại mới USKTA ghi nhận rõ ràng sự nhượng bộ đáng kể của Hàn Quốc và thắng lợi của chiến thuật đàm phán đi kèm với cưỡng bức của ông Trump. Hiện Mỹ đang tiếp tục thương lượng hiệp định NAFTA mà trọng tâm là thuyết phục Canada sau khi đã bảo đảm được sự nhân nhượng của Mexico. Theo giới phân tích, thành công trong đàm phán USKTA và NAFTA sẽ tạo tiền đề để Mỹ tiếp tục tiến tới thương lượng các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, với Liên minh châu Âu và có thể cả với Trung Quốc.

Cũng có nhiều kỳ vọng rằng Mỹ sẽ quay lại gia nhập hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã vội vã rút ra ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức tổng thống của ông. Chỉ tính riêng TPP đã có thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mỹ tăng thêm 4 tỉ đô la mỗi năm, theo số liệu của Liên minh Nông trại Mỹ. Vấn đề còn lại là các đối tác này có dễ dàng chấp nhận nhượng bộ những đòi hỏi nhiều khi quá đáng của Mỹ như Hàn Quốc và Mexico hiện nay hay không.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn