Những thành tựu tích cực về tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây đã giúp Việt Nam được nhận định là "con hổ" kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ tại khu vực châu Á.

Trong “bình luận kinh tế” hàng tuần của mình công bố trên trang mạng thepeninsulaqatar.com, Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) đã nhận định rằng Việt Nam là "con hổ" mới nhất của châu Á với những chỉ số phát triển ấn tượng, giúp quốc gia này lọt vào top những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Những kết quả nổi bật của nền kinh tế

Một loạt số liệu được công bố vừa qua cho thấy sự đi lên mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2018, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Lĩnh vực sản xuất gia tăng với tốc độ 13,1%, xây dựng đóng vai trò hỗ trợ mạnh với tốc độ tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Theo các nhà phân tích của QNB, tăng trưởng sản xuất đã kéo theo xuất khẩu tăng vọt. Trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 17% của cả năm 2017.

Theo nhận định của QNB, thành công của công nghiệp chế tạo và xuất khẩu xuất phát từ khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực như may mặc, giày dép và đặc biệt là điện tử. Ước tính rằng hiện nay cứ 10 điện thoại thông minh trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Dữ liệu mới nhất cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đang bùng nổ, với giá trị ước tính đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.  

QNB khẳng định sự thành công về kinh tế của Việt Nam là đáng chú ý, bởi điều này diễn ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn để bắt kịp với sự phát triển của những "con hổ" trước đây của châu Á như Singapore hay Hàn Quốc. 

"Nền tảng cho sự thành công trên của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý của Việt Nam...", QNB nhấn mạnh. 

Ngoài ra, nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings tại Mỹ nhấn mạnh rằng, những nền tảng vững chắc của kinh tế Việt Nam thông qua các chính sách hiệu quả là những gì đang thực sự làm cho Việt Nam vượt hơn hẳn các nước khác. 

Những yếu tố đặc biệt quan trọng

Theo Viện Brookings, có 3 yếu tố đặc biệt quan trọng giúp tạo nên những thành công trên của Việt Nam. Trước hết, phải kể đến việc Việt Nam đã tích cực theo đuổi tự do hóa thương mại trên cả hai phương diện song phương và đa phương. Các hiệp định thương mại làm giảm đáng kể những loại thuế quan mà các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt, giúp tăng cường hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa việc thu hút FDI. 

Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam vào vốn nhân lực, tức là giáo dục, giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình. Nổi bật là Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kiểm tra các học sinh trung học về toán, khoa học và các môn học khác, đã xếp Việt Nam ở mức thứ 8/72 nước tham gia, trước nhiều nền kinh tế hàng đầu của OECD. 

Ngoài ra, Việt Nam đã liên tục vươn lên trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng như trong các khảo sát về kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). 

Tuy nhiên, các nhà phân tích QNB cũng lưu ý Việt Nam có thể dễ bị tổn thương và phải đối mặt với những thách thức trong tương lai. Cụ thể, FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dệt may và điện tử. Số công ăn việc làm được tạo ra từ FDI có xu hướng chỉ cần lao động có tay nghề thấp, hưởng mức lương tương đối thấp với ít giá trị gia tăng. Điều này khiến Việt Nam bị đẩy vào tình thế dễ bị ảnh hưởng trước cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngắn hạn. 

Về lâu dài, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam có thể bị sụt giảm khi bước lên nấc thang phát triển với mức lương và mức sống được cải thiện. 

QNB cũng chỉ ra những yếu tố có thể là động lực phát triển kinh tế mới để đảm bảo Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị thế một "con hổ" kinh tế của châu Á trong vài năm tới. 

Điểm số PISA cao cho thấy Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách dễ dàng hơn so với hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ với ngành du lịch là trọng tâm, có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. 

Theo QNB, với các số liệu mới nhất cho thấy lượng khách du lịch trong tháng 6/2018 đã tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, động cơ tăng trưởng này đang góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh mẽ và đạt được thành công.

Quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn

Mới đây, trong một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua thể hiện nỗ lực, cố gắng lớn của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và thách thức, cần tập trung thảo luận để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.

Qua đó, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương phải quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý các vấn đề đặt ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp