Chương trình giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ (SIMP) chính thức có hiệu lực vào 31/12/2018 đặt ra nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Chỉ còn 5 tháng nữa để giải quyết những vấn đề này trước khi “chốt chặn” được dựng lên. SIMP - Chương trình giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ do Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) chịu trách nhiệm quản lý.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam khi muốn xuất khẩu tôm và bào ngư vào “xứ cờ hoa” phải tuân thủ thêm hàng loạt quy định mới về khai báo dữ liệu đối với quá trình nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, vận chuyển và nhập khẩu (sau đây tạm gọi là hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi”).

Khác với cách thức quản lý hàng nhập khẩu vào Mỹ của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), NOAA không có chuyên gia tới tận Việt Nam để kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đột xuất hay lấy mẫu kiểm tra ngay khi hàng cập cảng, mà chỉ quản lý chuyện nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ dựa trên các tài liệu, chứng cứ xác thực (cả bản “cứng” lẫn bản khai báo online) tại hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi”.

Theo bà Celeste Leroux, chuyên gia từ NOAA, doanh nghiệp tại Việt Nam phải cung cấp tất cả tài liệu cho nhà nhập khẩu ở Mỹ. Đây sẽ là người thay mặt bên bán Việt Nam lập hồ sơ “truy xuất nguồn gốc theo chuỗi” để xin cấp phép tại NOAA. Điều kiện đầu tiên là nhà nhập khẩu phải có thường trú nhân, có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng tại Mỹ.

Theo đó, một số thông tin cơ bản nhất mà doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị cho hồ sơ trên gồm có: Tên khu vực nuôi trồng/đánh bắt (được chính quyền cấp phép), loại ngư cụ được sử dụng trong đánh bắt, tên loài thủy hải sản, trọng lượng, điểm đầu tiên bốc dỡ hàng vào Mỹ, ngày cập bờ, cảng cập bờ, điểm giao hàng, tên đơn vị được giao nhận đầu tiên…

Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, người nuôi tôm Việt Nam chủ yếu là các nông hộ nhỏ, lẻ. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâu nay chỉ mua gom và giám sát chất lượng của người nuôi tôm liên quan tới dư lượng kháng sinh, tạp chất, kích cỡ, chủng loại… chứ cũng không yêu cầu nông dân về các giấy phép như yêu cầu của SIMP nên cả 2 bên đều đang rất bối rối.

“Thực tình, tôi không biết nông dân nên xin giấy phép gì, do cơ quan chức năng nào cấp. Thời gian mà Chương trình SIMP có hiệu lực chỉ còn 5 tháng nữa, vậy sẽ rất khó cho cả doanh nghiệp và nông dân”, ông Phục bày tỏ lo ngại.

Đặc biệt, theo ông Phục, các quy định và tàu thuyền, thời giờ xuất nhập của SIMP gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định về thường trú nhân. “Lâu nay, công ty làm việc qua đơn vị tư vấn đại diện tại Mỹ là các đại lý nhập khẩu trung gian để họ làm thủ tục hải quan ở Mỹ. Nhưng những đại lý này lại không làm các thủ tục về SIMP. Công ty cũng chưa hề có đại diện pháp nhân ở Mỹ”, ông Phục cho biết.

Không riêng Cty Thuỷ sản sạch Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, đang xuất tôm sang Mỹ thông qua các đại lý nhập khẩu trung gian. Mặt khác, rất ít đại lý như vậy lại là thường trú nhân ở Mỹ, nên không đáp ứng quy định của SIMP về nhà nhập khẩu.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp