Chương trình giám sát nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ là áp lực,nhưng cũng là cơ hội để loại bỏ tư duy chộp giật của một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu tôm chất lượng thấp, phá giá bán.

Cũng tương tự như chương trình chống khai thác IUU của EU, Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) đưa ra các yêu cầu đối với việc cấp phép, báo cáo và ghi chép số liệu cho việc nhập khẩu một số sản phẩm cá và hải sản nằm trong danh sách ưu tiên và được xác định là dễ bị ảnh hưởng bởi đánh bắt bất hợp pháp IUU hoặc gian lận hải sản.

Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, đây là yêu cầu chính đáng của Mỹ với nhà nhập khẩu nhằm siết tình trạng tôm bơm tạp chất.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP thì cho rằng, so với 12 loài, nhóm loài thủy sản khác được chủ yếu từ khai thác trong danh sách của SIMP, thì tôm có đặc thù riêng biệt là tôm nuôi chiếm tỷ lệ cao.

“Việc NOAA đưa tôm vào danh sách này chủ yếu để ngăn chặn các gian lận trong thương mại tôm hơn là chống khai thác bất hợp pháp IUU. Do đó, NOAA cần có những quy định cụ thể, phù hợp hơn với sản phẩm tôm”, ông Hoè cho biết.

Tổng thư ký VASEP cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần chủ động hệ thống lại và chuẩn hóa các thông tin được cung cấp và lưu giữ hồ sơ chuẩn mực thì xuất khẩu mới ổn định và tiếp tục tăng trưởng được. Doanh nghiệp còn 5 tháng để liên hệ nhà nhập khẩu thử nghiệm khai báo “tập dượt” để không bị gián đoạn khi quy định đi vào hiệu lực.

Ông Hoè cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm rõ một số quy định về vùng nuôi trong quy hoạch, để đảm bảo độ tin cậy cho các thông tin được thẩm tra, thẩm định theo pháp luật Việt Nam, tạo tâm lý tốt cho nhà nhập khẩu để họ có thể khai báo suôn sẻ tại NOAA. 

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp