Cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động đối với Trung Quốc nhằm trừng phạt nước này về các thực hành thương mại bất công đang khiến các nhà sản xuất hàng công nghệ, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử ở Mỹ đứng trước áp lực tăng giá và phía thiệt hại sau cùng sẽ là người tiêu dùng.

Trong danh sách 818 mặt hàng của Trung Quốc (có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 34 tỉ đô la Mỹ mỗi năm) chính thức bị Mỹ đánh thuế 25% hôm 6-7 vừa qua, có đến 186 mặt hàng là động cơ, thiết bị và linh kiện điện tử cũng như các sản phẩm liên quan chẳng hạn như tủ lạnh mini, nhiệt kế, máy lọc không khí, quạt hơi nước, máy rửa chén bát.

Hàng loạt đồ điện tử gia dụng bị ảnh hưởng

Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) Jonathan Gold cho rằng giá của những đồ gia dụng điện tử bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể tăng thêm 25% nếu các doanh nghiệp ở Mỹ quyết định chuyển chi phí thuế cho khách hàng. Hôm 5-7, NRF ra tuyên bố cho biết: “Khi thuế phạt Trung Quốc có hiệu lực, người tiêu dùng Mỹ sẽ các cảm nhận rõ hơn các tác động của một cuộc chiến tranh thương mại. Các mức thuế phạt này... sẽ đẩy tăng giá một loạt sản phẩm từ như các bộ dụng cụ, thiết bị điều khiển từ xa, ổ cứng di động USB và nhiệt kế. Sinh viên có thể phải tốn nhiều hơn khi mua một chiếc tủ lạnh nhỏ mà họ cần để đặt trong phòng ký túc xá”.

Mức thuế 25% mà Mỹ áp cho 818 mặt hàng của Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho các công ty Mỹ. Các hãng xe Mỹ đặt các công ty ở Trung Quốc gia công khoảng 30% linh kiện điện tử của họ chẳng hạn như chip và điện trở, tụ điện sử dụng trong mạch điện của ô tô. Nếu họ không chuyển chi phí thuế này cho khách hàng, lợi nhuận của họ sẽ bị suy giảm. Những công ty không đủ lực để gánh chịu chi phí này sẽ tăng giá bán sản phẩm, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Shawn Chang, Phó chủ tịch công ty tư vấn sản xuất Dragon Innovation, cho rằng mức thuế 25% sẽ gây khó khăn cho nguồn cung các linh kiện có nhu cầu cao tại Mỹ. Ông đặc biệt lo ngại mức thuế 25% đánh vào tụ điện của Trung Quốc. Ông nói: “Mọi sản phẩm từ xe điện của Tesla cho đến các thiết bị Internet vạn vật mà chúng ta sử dụng hằng ngày và cả điện thoại di động đều sử dụng rất nhiều tụ điện. Hiện nay, các công ty thực sự rất khó khăn khi tìm mua tụ điện và mức thuế 25% chẳng giúp ích cho tình hình này”.

Các công ty công nghệ nhỏ hứng đòn

Các công ty công nghệ lớn ở Mỹ chưa bị ảnh hưởng nhiều sau vòng áp thuế đầu tiên của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vì phần lớn sản phẩm của họ không nằm trong danh sách áp thuế. Mỹ đã cố gắng hạn chế áp thuế những mặt hàng có thể ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, điện thoại di động không nằm trong danh sách hàng hóa bị áp thuế lần này, giúp cho Apple tránh được gánh nặng tài chính vì phần lớn iPhone hoàn thiện của hãng “quả táo cắn dở” này đều được lắp ráp ở Trung Quốc.

Song, các công ty công nghệ nhỏ ở Mỹ, vốn phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện điện tử Trung Quốc, sẽ hứng đòn. Một trong những công ty công nghệ nhỏ có thể bị ảnh hưởng do thuế đánh vào linh kiện điện tử Trung Quốc là Chibitronics. Đây là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở bang New Jersey, chuyên sản xuất các  loại đồ chơi và video giáo dục để giúp trẻ em tìm hiểu về tự động hóa. Chibitronics, đang nhập các động cơ đồ chơi và bảng mạch từ Trung Quốc, khuyên khách hàng nên mua các sản phẩm của công ty này sớm vì sắp tới, giá của chúng sẽ tăng do các linh kiện để lắp ráp chúng bị áp thuế 25%.

Bunnie Huang, người đồng sáng lập Chibitronics, cho biết các công ty lớn gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện của họ như ti vi, điện thoại di động ở nước ngoài nên không bị ảnh hưởng nhưng các công ty nhỏ như Chibitronics phải nhập các linh kiện cơ bản từ Trung Quốc để lắp ráp sản phẩm tại Mỹ nên chi phí sản xuất sẽ bị đẩy lên cao.

Steve Koenig, Giám đốc cấp cao ở Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ, nói: “Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ lo ngại các đòn áp thuế của Mỹ sẽ đặt họ vào tình thế bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu vì các công ty ở các nước khác sẽ bán hàng với giá rẻ hơn họ nhờ tiếp tục nhập các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc (nhưng không bị áp thuế phạt)”.

Koenig cho biết trong năm doanh nghiệp nhỏ thành viên của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA), có bốn doanh nghiệp cho biết họ không thể chuyển gia công linh kiện từ Trung Quốc sang nước khác vì điều này sẽ gây tốn kém lớn do hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Hôm 6-7, công ty Moog Music, chuyên sản xuất các nhạc cụ điện tử ở bang Bắc Carolina của Mỹ, thông tin cho khách hàng về những tác động của mức thuế phạt 25% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Công ty này nhập các bảng mạch và các linh kiện liên quan từ Trung Quốc để sản xuất các loại nhạc cụ điện tử. Moog Music nói rằng thuế tăng sẽ đẩy tăng chi phí sản xuất, khiến công ty này phải cân nhắc việc sa thải bớt công nhân và di chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Moog Music khó có thể thay thế bảng mạch của Trung Quốc bằng các bảng mạch sản xuất tại Mỹ vì giá của chúng cao hơn đến 30%.

Ảnh hưởng đến các hộ gia đình Mỹ

Tính từ đầu năm đến nay, tổng trị giá hàng hóa nước ngoài bị đánh thuế tại Mỹ đã lên đến hơn 80 tỉ đô la Mỹ nếu tính cả các đòn áp thuế phạt mà Mỹ đánh vào máy giặt, tấm năng lượng mặt trời và các sản phẩm thép nhôm của các đối tác thương mại. Theo sự phân tích của Kirill Borusyak, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Trường Đại học Princeton (Mỹ) và Xavier Jaravel, Giáo sư kinh tế ở Trường Kinh tế London (Anh), giá trị hàng hóa bị áp thuế trên khiến mỗi hộ gia định Mỹ chịu thiệt hại trung bình khoảng 60 đô la mỗi năm vì hàng hóa nước ngoài hoặc hàng hóa được lắp ráp bằng kinh kiện nước ngoài tại Mỹ tăng giá. Con số này khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,01% thu nhập trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình ở Mỹ.

Nếu Mỹ quyết định đánh thuế nhập khẩu 10% trên 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm vào tháng 9 tới, thì mức thiệt hại của mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ lên 127 đô la mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thiệt hại trung bình chia đều cho mỗi hộ gia đình Mỹ. Những hộ gia đình Mỹ mua những món hàng có giá trị lớn như ô tô của Trung Quốc hay máy giặt từ các nước (chủ yếu từ Hàn Quốc và Trung Quốc) có thể phải tốn nhiều hơn vì những mặt hàng này đang bị Mỹ áp thuế nhập khẩu từ 25-50%. Đặc biệt, các sản phẩm điện tử tiêu dùng từ nước ngoài là nhóm hàng gây tổn thương tài chính đáng kể cho hộ gia đình Mỹ.

Các hộ gia đình Mỹ có thu nhập cao thường chi tiêu nhiều hơn, nhất là chi tiêu cho các mặt hàng điện tử nằm trong diện bị đánh thuế. Vậy nên, một hộ gia đình Mỹ có thu nhập trên 160.000 đô la mỗi năm, có thể sẽ bị thiệt hại trung bình 140 đô la mỗi năm vì các đòn áp thuế của Nhà Trắng từ đầu năm đến nay.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn