Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước nên tỉ suất lợi nhuận của mặt hàng này thường đạt trên 80% giá trị xuất khẩu.

Thậm chí có những mặt hàng thủ công mỹ nghệ còn đạt tỉ suất lợi nhuận đến gần 100% giá trị xuất khẩu, cao gấp 5 - 10 lần so với các ngành khai thác khác.

Vì vậy, dù kim ngạch xuất khẩu không cao so với nhiều mặt hàng khác, nhưng thủ công mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ có tỷ trọng rất cao trong kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2009, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt gần 900 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2010, một số mặt hàng như mây tre đan xuất khẩu đạt 135 triệu USD, gốm sứ hơn 200 triệu USD.. Mục tiêu đặt ra cho ngành này trong thời gian tới là giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. 

Ngành hàng thủ công mỹ nghệ có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1,3 triệu người. 

Tuy nhiên, ngành hàng xuất khẩu này lại đang đứng trước nhiều thách thức 

Những thách thức đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Vì thế, nhiều hàng thủ công Việt Nam không có những công dụng cần thiết và chưa hướng vào một thị trường cụ thể nên sức cạnh tranh còn yếu.

Thứ hai, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn nghèo nàn về kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại. Hiện nay, khoảng 90% các sản phẩm xuất khẩu được sản xuất theo mẫu thiết kế của nước ngoài đặt hàng.

Điều này sẽ giải quyết tốt đầu ra sản phẩm trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ làm “thui chột” các ý tưởng sáng tạo của người nghệ nhân và làm giảm lợi nhuận của ngành này. Một sản phẩm có mẫu mã đẹp, kiểu dáng độc đáo có thể đem lại gấp 4 lần giá trị so với mẫu mã thông thường.

Thứ 3, quy mô sản xuất của các làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ đa số là nhỏ, lẻ, thiếu sự liên kết nên dẫn tới việc không đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn.

Hướng giải quyết các vấn đề tồn tại

Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần liên kết với nhau hoặc xây dựng làng nghề hay cụm sản xuất để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh như chia sẻ các hợp đồng lớn hoặc phân công phân khúc sản xuất.

Thứ hai, tăng cường việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính đồng nhất và ổn định chất lượng, củng cố niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm mỹ nghệ của mình.

Thứ ba là tăng cường thu thập thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu, tập quán, các chính sách quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu thiết kế sản xuất sản phẩm thích hợp để xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cũng cần thiết kế sáng tạo kiểu dáng cho phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng nhằm tăng tính cạnh tranh và giá trị cho sản phẩm.

Nguồn: InfoTV