Nhằm thực hiện cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, năm 2017, vị Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” đã có những bước đi quyết liệt và thực dụng nhưng gây tranh cãi, theo hướng đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Chủ trương “nước Mỹ trước hết” đã tạo ra nhiều biến động trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có cả hiệu ứng tiêu cực.

Có thể nói, yếu tố quyết liệt và bất ngờ là đặc điểm chính của những quyết định chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành trong suốt năm 2017, năm đầu vị chính khách - doanh nhân ngồi “ghế nóng” tại Nhà trắng. Tính khó đoán định trong các bước chuyển chiến lược của vị Tổng thống Mỹ thứ 45 thể hiện trong cả các quyết định mạo hiểm, được ông đưa ra trong những ngày cuối năm, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hay nêu đích danh “đối thủ cạnh tranh” là Nga và Trung Quốc trong chiến lược an ninh quốc gia mới.

Không thể phủ nhận, những bước đi thực hiện cam kết tranh cử của Tổng thống Trump gây nhiều tranh cãi và quan ngại, không chỉ ở Mỹ mà với cả dư luận quốc tế, khi nhà lãnh đạo “xứ cờ hoa” điều chỉnh một loạt chính sách quan trọng theo hướng giảm bớt các cam kết đa phương và ưu tiên quan hệ song phương, tạo ra một “làn sóng rút, dời” trong các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới và nhập cư. Với lý do lấy lại việc làm và công bằng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, ông Trump “vạch lá tìm sâu”, chỉ tên một loạt quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Chú trọng thương mại song phương, ưu tiên trong nước, người đứng đầu Chính quyền Washington không ngần ngại đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận đa phương được kỳ vọng lớn là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay khởi động đàm phán lại thỏa thuận khu vực vốn ổn định là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Là một trong những “ống khói” lớn của thế giới, nhưng nước Mỹ lại được Tổng thống Trump đưa ra khỏi quỹ đạo chung khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Không hài lòng về đóng góp kinh phí nhiều hơn, Mỹ rút khỏi UNESCO. Lo ngại về làn sóng nhập cư, ông Trăm đưa Mỹ đứng ngoài Hiệp ước Di trú toàn cầu (GCM), trong khi ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước Hồi giáo…

Những quyết định rút, dời nêu trên thể hiện rõ tính chất thực dụng trong chủ trương “nước Mỹ trước hết” của chính quyền Mỹ hiện nay. Các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ cũng chịu tác động trực tiếp từ những biến động chiến lược này. Trước hết, mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với Liên hiệp châu Âu (EU) trải qua thử thách khắc nghiệt trong năm 2017. EU đứng ngồi không yên ngay khi ông Trump chính thức làm chủ Nhà trắng. Với những phát ngôn liên tiếp gây bất lợi cho châu Âu liên quan vấn đề Brexit hay mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong khuôn khổ NATO, với động thái đình chỉ một số dự án hợp tác hai bờ, trong đó có Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hay đe dọa lật lại thỏa thuận lịch sử cùng ký với EU và các cường quốc về vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Trump khiến các đồng minh châu Âu hoài nghi về mối thâm tình hai bên duy trì hơn 70 năm qua.

Được cho là có quan điểm cởi mở hơn những người tiền nhiệm, cùng cam kết nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, Tổng thống Trump được kỳ vọng giúp “phá băng” mối quan hệ lạnh giá giữa hai nước, được cho là xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, lình xình kéo dài liên quan cáo buộc “Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016” khiến nỗ lực của vị Tổng thống thứ 45 chưa đạt kết quả. Vòng xoáy căng thẳng, đối đầu vẫn đè nặng quan hệ Mỹ - Nga.

Sau nhiều năm căng thẳng do mâu thuẫn lợi ích, nhất là trong vấn đề thương mại, quan hệ Mỹ - Trung Quốc chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, thực chất, mang tính xây dựng hơn và đề cao mục tiêu cân bằng chiến lược. Quan hệ truyền thống với hai đồng minh thân cận ở Đông - Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nồng ấm hơn, sau khi cả Seoul và Tokyo nhất trí san sẻ gánh nặng chi phí bảo đảm an ninh ở khu vực. Tuy nhiên, điểm sáng đối ngoại này vẫn bị phủ bóng bởi các vụ thử tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, dẫn tới những bước đi cứng rắn và nguy hiểm của Washington, mà Bình Nhưỡng coi như hành động “tuyên bố chiến tranh”.

Lúng túng trong các mối quan hệ giằng co với các đồng minh, đối tác ở Trung Đông, nhất là trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Mỹ cũng bị coi là thụt lùi trước những bước tiến mạnh mẽ của Nga tại chiến trường Syria, cũng như trên bàn đàm phán về hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Bởi thế, tuyên bố của Mỹ đánh bại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq không thật sự lấp lánh ánh hào quang…

Sau khoảng thời gian dài nghi ngại về “chính sách xoay trục” của Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận được lời cam kết từ người đứng đầu chính quyền Mỹ, khi Tổng thống Trump chính thức giới thiệu khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, khẳng định tiếp tục quan tâm, duy trì cam kết và mong muốn mở rộng liên kết với khu vực. Và đây có thể được coi là điểm sáng nhất trong bức tranh đối ngoại nhiều biến động của Mỹ trong năm 2017.

Nguồn: Báo Nhân dân