Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu lúa mỳ trong 7 tháng đầu năm lên đến 1,44 triệu tấn, đạt 350 triệu USD, cả lượng và giá trị đều tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. 

Việc nhập khẩu quá nhiều lúa mỳ hiện đang gây ra những nhận định trái chiều từ phía các chuyên gia nghiên cứu thị trường nông sản.

Nhiều đến ... khó tin

Từ trước đến nay, Việt Nam ít sử dụng lúa mỳ làm lương thực, nhưng vẫn nhập khẩu một khối lượng lúa mỳ dành cho nhu cầu chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo và một phần nhỏ sử dụng bổ sung nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước lượng lúa mỳ nhập khẩu trong tháng 7/2010 của cả nước đạt 230 nghìn tấn, kim ngạch 56 triệu USD. Một chủ doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã phải thốt lên rằng: “Không thể tin nước ta lại nhập khẩu lúa mỳ nhiều như vậy!”. 

Lý giải tình trạng này, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: do giá ngô tăng quá cao trong những tháng đầu năm, nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước đã tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn từ bên ngoài. Giá ngô trong nước ở mức 5.500-5.600 đồng/kg, giá ngô nhập khẩu chỉ khoảng 5.400 đồng/kg; trong khi giá lúa mỳ nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm chỉ 243 USD/tấn, giá thành bột mỳ nhập về đến nước ta chỉ khoảng 4.200-4.500 đồng/kg. Chính vì giá bột mỳ rẻ hơn ngô, nên các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc đã thay thế ngô bằng bột mỳ.

Bà Phan Hồng Liên, chuyên gia phân tích ngành hàng của Công ty nghiên cứu thị trường Agomonitor cho biết, vào những tháng đầu năm 2010, nhập khẩu lúa mỳ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có giá chỉ 220 USD/tấn, thấp hơn hẳn so với giá nhập khẩu ngô 240-250 USD/tấn. Do giá nhập khẩu lúa mỳ thấp nên nếu xét về tỉ lệ cung cấp tinh bột trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì dùng lúa mỳ sẽ rẻ hơn ngô. 

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng nhanh, cho thấy việc giải quyết nguồn cung từ trồng trọt trong nước chưa được cải thiện. Nếu như các năm trước, tỷ trọng nguyên liệu phải nhập khẩu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi là 60-70%, thì năm 2010 tỷ trọng này đã vượt trên 90%. 

Chỉ riêng số tiền Việt Nam phải chi để nhập khẩu các loại thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 7 tháng đầu năm 2010 (không kể lúa mỳ) đã tăng lên mức 1,38 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam bày tỏ: chúng tôi luôn theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu ngũ cốc trên thế giới. Ngay từ đầu năm, khi thấy hạn hán và thời tiết khắc nghiệt diễn ra, chúng tôi đã đoán biết được tình hình cuối năm thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Khi đó nhiều loại lương thực như lúa mỳ, ngô, sắn, gạo sẽ tăng giá rất mạnh. Vì vậy, khi thấy giá lúa mỳ giảm thấp trong những tháng đầu năm, chúng tôi đã “nhanh chân” nhập khẩu thật nhiều bột mỳ để dự trữ. 

Giờ đây, khi giá bột mỳ trên thế giới tăng cao, nhiều nước trên thế giới đang lo thiếu bột mỳ, thì các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam lại yên tâm vì đã có đủ bột mỳ để làm thức ăn gia súc, nguồn dự trữ đủ một thời gian dài mà không cần phải nhập khẩu nữa”.

Giá lúa mỳ vẫn tiếp tục tăng 

Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng của Agromonitor cũng đồng tình rằng: “hiện nhiều chuyên gia phân tích ngành hàng nông sản, cũng như các cơ quan nhà nước đang phê phán việc phải chi quá nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu lúa mỳ. Nhưng tôi cho rằng, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã có phản ứng rất thông thông minh, điều này cho thấy năng lực dự báo ngành hàng nông sản ở nước ta đã được nâng lên rất nhiều”. 

Trên thị trường thế giới, hiện giá lúa mỳ tại Chicago, Mỹ đã tăng đến 80% so với 1 tháng trước, và đạt mức cao kỷ lục trong vòng 23 năm qua. Giá lúa mỳ tăng chóng mặt bắt nguồn từ nguyên nhân nước Nga đã ngừng xuất khẩu lúa mỳ. Hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới đã khiến sản lượng nhiều loại cây lương thực sụt giảm mạnh, trong đó có lúa mỳ. Nếu tình trạng khô hạn và lũ lụt tiếp tục kéo dài ở nhiều nước, nguy cơ thiếu lương thực sẽ ngày càng cao và không loại trừ khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực.

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc đang vui mừng vì đã dự trữ đủ bột mỳ, thì hiện các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở nước ta lại đang lo lắng trước việc giá bột mỳ tăng cao. Theo ông Lê Minh Nam, Giám đốc Công ty bột mỳ Bình An, Tp.HCM, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đều chủ quan không mua nhiều bột mỳ để dự trữ. 

Vì thế, vào giữa tháng 7/2010, khi một tàu chở 50.000 tấn lúa mỳ cập cảng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà nhập khẩu dự kiến chuyển hàng về kho để phân phối dần cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, thế nhưng nhiều khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đã vội vã đặt mua toàn bộ và chỉ trong 3 ngày tất cả hàng trên con tàu đã được “bốc” sạch.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, dù giá lúa mỳ đã tăng khá mạnh, nhưng lượng lúa mỳ nhập khẩu về Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ vẫn còn tăng.

Nguồn: VnEconomy