Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh câu chuyện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự thiếu vắng của Hoa Kỳ tác động thế nào tới ngành chế biến, XK gỗ, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, vắng Hoa Kỳ, ích lợi giảm sút song DN cũng không nên hờ hững, bởi hờ hững là tự đứng ngoài “cuộc chơi”, để mình thua thiệt.

Trước đây, với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, trong đó có Hoa Kỳ, chế biến, XK gỗ được nhận định là một trong những ngành được hưởng nhiều lợi ích. Hiện nay, khi Hiệp định TPP chuyển thành Hiệp định CPTPP, vắng Hoa Kỳ, ích lợi mà ngành này được hưởng sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Thị trường Hoa Kỳ hiện nay chiếm trên 40% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Dư địa tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Hoa Kỳ cũng còn khá lớn. Bởi vậy, với Hiệp định TPP, ích lợi mà các DN ngành chế biến, XK gỗ nói chung được hưởng khá nhiều.

Hiện nay, với Hiệp định CPTPP khi không có Hoa Kỳ, các thành viên NK lượng gỗ và sản phẩm gỗ lớn từ Việt Nam chỉ có Nhật Bản, Canada và Australia. Vì vậy, Hiệp định CPTPP không tác động lớn như kỳ vọng của ngành gỗ về một TPP bao gồm Hoa Kỳ. Thị trường Nhật Bản vẫn ưu tiên NK đồ nội thất và các mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán, gỗ mỹ nghệ từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu từ thị trường này có giới hạn nhất định. Nhìn chung, ở cả ba thị trường Nhật Bản, Canada, Australia, nhu cầu tiêu dùng gỗ và sản phẩm gỗ khó có sự gia tăng đột biến. Ví dụ, mức thuế tối huệ quốc (MFN) dành cho đồ gỗ khác (HS 940360) NK từ Việt Nam vào các thị trường này cũng có sự khác biệt: 0% (Nhật Bản), 5% (Australia) hay 9,5% (Canada).  Sự thay đổi tăng hoặc giảm chủ yếu do thay đổi nguồn cung chứ không có nhu cầu gia tăng NK cao.

Một yếu tố nữa phải đề cập đến là, nếu Hoa Kỳ tham gia Hiệp định TPP, vấn đề thuế NK vào Hoa Kỳ sẽ được giải quyết. Các biện pháp đánh thuế mà Hoa Kỳ áp dụng sẽ chỉ như hiện tại và theo hướng giảm dần đi chứ không tăng lên. Tuy nhiên, với Hiệp định CPTPP không có Hoa Kỳ, không có ưu đãi thương mại theo hiệp định có thể làm gia tăng rủi ro về vấn đề thuế tại thị trường hết sức quan trọng này. Ngoài ra, các vấn đề khác cũng  khó tính toán trước được.

Dễ thấy, vắng Hoa Kỳ, lợi ích mà các DN ngành chế biến, XK gỗ thu được từ Hiệp định CPTPP sẽ bị giảm sút rõ nét. Tuy nhiên, theo ông, có phải vì thế mà DN có thể hờ hững, ít quan tâm đến Hiệp định CPTPP?

Trên thực tế, với Hiệp định TPP trước đây, không riêng ngành gỗ mà rất nhiều ngành hàng khác cũng đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Thậm chí, để đón đầu Hiệp định TPP, tận dụng triệt để cơ hội, thời gian qua đã diễn ra tình trạng không ít DN Trung Quốc ồ ạt tham gia đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam.

Hiện nay, với Hiệp định CPTPP, dù không có Hoa Kỳ nhưng vẫn còn nhiều thị trường lớn khác như Nhật Bản, Australia, Canada… Tin rằng, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, việc XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường trên cũng sẽ thuận lợi hơn so với thời điểm hiện tại. Bởi vậy, các DN không nên hờ hững với Hiệp định CPTPP mà cần nỗ lực, sẵn sàng để tận dụng tốt nhất cơ hội. Nếu không quan tâm, không tham gia thì nghĩa là DN đã tự đặt mình bên ngoài “cuộc chơi”.

 Xin ông cho biết, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đâu là vấn đề mà nhiều DN ngành chế biến, XK gỗ lo ngại khi thúc đẩy XK sản phẩm vào các thị trường tham gia Hiệp định CPTPP?

Khi thực thi Hiệp định CPTPP, vấn đề về thuế sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó khăn mà các DN phải đối mặt là các hàng rào phi thuế quan. Trong nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…, lĩnh vực nào cũng có vấn đề khó khăn bởi các tiêu chuẩn được nâng lên, các yêu cầu thực thi nghiêm ngặt hơn. Để ứng phó với khó khăn, tận dụng tốt cơ hội đem lại, gia tăng tính cạnh tranh, các DN phải không ngừng cập nhật và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất…

 Xin cảm ơn ông!

PGS. TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Các nội dung trì hoãn trong Hiệp định CPTPP là cơ hội cho Việt Nam

Nhìn chung Hiệp định CPTPP vẫn giữ các điều khoản trong Hiệp định TPP, nhưng cho phép các nước có quyền rút khỏi một số vấn đề mỗi nước. Các nước thành viên cũng đưa ra danh mục 20 nội dung tạm hoãn (chủ yếu cam kết sở hữu trí tuệ). Như vậy, Hiệp định CPTPP có thay đổi một số điều khoản và một số bị trì hoãn, có những điểm là làm chậm lại hội nhập giữa các nước. Tuy nhiên, đó có khi lại là cơ hội tốt cho Việt Nam, nếu hòa nhập ngay vào tất cả các điều kiện trong Hiệp định CPTPP, rất có thể Việt Nam chưa kịp thích ứng. Trì hoãn lại cũng là thời gian để Việt Nam chuẩn bị.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Nhiều DN chưa đánh giá hết đóng góp của Hiệp định CPTPP

Không có Hoa Kỳ tham gia Hiệp định CPTPP là thiệt thòi cho Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP vẫn rất quan trọng bởi thành viên lớn nhất trong Hiệp định CPTPP hiện nay là Nhật Bản đang có mối quan hệ tốt với Việt Nam. Bên cạnh đó, các quốc gia khác như Canada, Chile… cũng có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Có thể nói rằng, khung pháp luật và các vấn đề mà Hiệp định CPTPP đề cập là  hình mẫu mới. Ngoài ra, các thỏa thuận trong Hiệp định CPTPP có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ 11 nước thành viên, là mô hình hiệp định quốc tế cho các hiệp định khác tham khảo, học hỏi. Cuối cùng, dù không quốc gia nào nói ra, nhưng tất cả đều đang hy vọng một ngày nào đó, Hoa Kỳ sẽ suy nghĩ lại, quay lại hiệp định này.

Hiện nay, xét về mặt thị trường, do chủ yếu hướng tới thị trường Hoa Kỳ nên một bộ phận DN không đánh giá cao cơ hội từ Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, theo tôi, 10 thị trường còn lại trong Hiệp định CPTPP cũng rất tiềm năng nếu DN chịu khó khai thác. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP còn có nhiều đóng góp tích cực về mặt cải cách thể chế. Có thể cộng đồng DN chưa đánh giá hết những đóng góp của hiệp định trên khía cạnh này. Thời gian tới, khi hiệp định đi vào thực thi, các DN sẽ nhìn nhận thấy rõ ràng hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng): Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế

Điều quan trọng nhất khi tham gia Hiệp định CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, DN Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường. Đối với các DN trong ngành thủy sản, thực chất DN không trông chờ các Hiệp định thương mại tự do để giảm thuế suất vì thực tế, các dòng thuế hiện nay đã rất thấp, thậm chí bằng 0%. Mong muốn lớn nhất của DN là sự thay đổi thể chế thực sự nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Nguồn: Báo Hải quan