"Không có hướng dẫn chỉ đạo, cứ để mạnh ai nấy chạy, cứ để mặc doanh nghiệp và địa phương tự bơi - chúng ta sẽ thua cuộc".

Vừa qua Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam khi tham gia Hiệp định MDTD (FTA) thế hệ mới”.

Nhân dịp này Đất Việt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương - Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ về một góc nhìn mới về vấn đề này.

PV: - Thế nào là Hiệp định MDTD thế hệ mới? Các chuyên gia cho rằng "Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Hiệp định MDTD thế hệ cũ và Hiệp định MDTD thế hệ mới là mức độ cao - thấp, sâu - rộng của hội nhập kinh tế quốc tế". Ông có ý kiến gì khác hơn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Việt Nam đang thực thị một loạt Hiệp định mậu dịch tự do song phương và khu vực như: Hiệp định MDTD Việt Nam - Chi Lê, các Hiệp định MDTD ASEAN - Trung Quốc; ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Ấn Độ; ASEAN - Australia; ASEAN - Newzealand…

Các Hiệp định này không gọi là Hiệp định MDTD thế hệ mới, vì ở đây chủ yếu là cam kết mở cửa thị trường bằng cách giảm thuế nhập khẩu. Các lĩnh vực khác như: Đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chỉ cam kết chung chung hoặc chưa cam kết gì vụ thể, và cũng không có cam kết gì về thể chế.

Nếu gọi là Hiệp định MDTD thế hệ mới thì đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và ở một mức độ khác là Hiệp định MDTD Việt Nam - EU (EVFTA).

Với Hiệp định TPP, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút bỏ, 11 nước còn lại đang tích cực đàm phán lại để hoàn tất vào tháng 11 năm nay nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Với EVFTA hai bên EU và Việt Nam đang cố gắng chuẩn bị đưa Hiệp định vào hiệu lực giữa năm 2018.

So với Hiệp định MDTD mà Việt Nam đang thực hiện, các Hiệp định TPP và EVFTA có khác biệt cơ bản. Các Hiệp định này là một loại hình mới, là "luật chơi" mới của thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế.

Đây không phải chỉ là Hiệp định để mở cửa thị trường mà là một khung pháp lý chung để vận hành nền kinh tế các nước thành viên, là hành lang pháp lý điều tiết các quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên.

TPP và cả EVFTA có đầy đủ các quy định, quy tắc cần thiết và có đủ các chế tài mạnh cho sự vận hành những lĩnh vực cốt yếu của nền kinh tế thành viên.

Cùng với những quy định, quy tắc chặt chẽ, các chế tài cài đặt trong Hiệp định, sẽ buộc chúng ta và hỗ trợ chúng ta vận hành một nền kinh tế sạch và mạnh, một nền kinh tế thực sự công khai, minh bạch và bình đẳng với các thành phần.

PV: - Trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới hôm nay, sau cuộc bầu cử ở Mỹ, với những chính sách kinh tế mới của chính quyền Trump, có ý kiến cho rằng hình như kinh tế thế giới đang chuyển về hướng bảo thủ, việc này có tác động gì đến xu hướng tự do trong các Hiệp định MDTD thế hệ mới? Ông có bình luận gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Toàn cầu hóa đang gặp vật cản trên con đường của mình. Nhưng xu thế toàn cầu hóa là không đảo ngược. Những biểu hiện cụ thể hiện nay là:

1. Kinh tế thế giới đang tiếp tục kết nối. Mạch kết nối không hề có đứt đoạn.

- Dù chính quyền Trump ở Mỹ có đưa ra một số chính sách biện pháp đưa các tập đoàn kinh tế Mỹ trở về nước để thực hiện tôn chỉ "Mỹ là trên hết" thì kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục kết nối với kinh tế châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Đơn giản: Không có thị trường thế giới thì không có kinh tế mạnh ở nước Mỹ.

- Dù chính sách kinh tế Trung Quốc khá bảo thủ, họ kiên trì kiên quyết bảo hộ cho kinh tế quốc doanh, làm méo mó thị trường trong nước và thế giới nhưng kinh tế Trung Quốc đang kết nối ngày càng rộng, càng sâu với kinh tế châu Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Âu…

- Kinh tế Việt Nam hiện đã và dang kết nối với kinh tế khu vực và thế giới. Quá trình đó không đảo ngược.

2. Quá trình quốc tế hóa các tiêu chuẩn quốc tế đang được triển khai mạnh mẽ. Cụ thể là ở Việt Nam:

- Đã hình thành một tập quán và gần như là quy ước: Trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và cả luật pháp… bắt đầu lấy các tiêu chuẩn, định mức quốc tế để làm thước đó trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn định mức quốc gia.

- Chỉ cách đây không lâu, có một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mà thế giới áp dụng, Việt Nam coi các tiêu chuẩn đó là các biện pháp bảo hộ làm khó dễ cho việc xuất khẩu của các nước nghèo như Việt Nam. Thì hôm nay người Việt Nam đang thực thi một cách rất tự nguyện vì có đạt tiêu chuẩn đó hàng Việt Nam mới vào được thị trường thế giới.

Có những tiêu chuẩn, quy định, phổ quát của thế giới mà trước đây Việt Nam hiểu là công cụ của các nước thù địch để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước kém phát triển như về nhân quyền… thì Việt Nam hôm nay đã quyết định đưa nội dung Quyền con người vào chương trình giảng dạy ở trường học, và đang soạn thảo để ban hành các luật lập hội, biểu tình… để hòa đồng với thế giới.

PV: Có một quan ngại chung về mối quan hệ hội nhập sâu với việc xây dựng nền kinh tế độc lập có khả năng tự chủ cao, để ứng phó được với những biến động của kinh tế thế giới. Nay, với việc tham gia các Hiệp định MDTD thế hệ mới tức là hội nhập sâu. Ông có bình luận gì về mối quan ngại này?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Tôi còn nhớ, khi đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có người dọa: "Mỹ giàu, Mỹ mạnh, hàng Mỹ nhiều, hàng Mỹ tốt. Nhưng nếu mở cửa cho Mỹ vào, thì cần một tuần, thậm chí không đầy một tuần, kinh tế Việt Nam đổ tan.

Khi đó chúng tôi phải giải trình, ở thời điểm đó, GDP của Việt Nam được tính khoảng 33 tỉ USD. Tức chỉ bằng hơn 1/3 giá trị của thương hiệu nước giải khát CoCaCola của Hoa Kỳ (thương hiệu Cocacola lúc đó trị giá hơn 90 tỉ USD), nghĩa là Việt Nam chưa có gì để lo mất, chưa có gì để lo bị đổ vỡ.

Từ ngày hội nhập đến nay, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh. GDP của Việt Nam hôm nay đạt trên 200 tỉ USD, nhưng cụ thể, đó là gì?

Hàng công nghiệp chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp phụ thuộc đơn hàng nước ngoài và hàng của các doanh nghiệp FDI. Từ may mặc, giày dép, điện tử, điện thoại đến cả sắt thép, hóa chất….

Nông nghiệp ư? Ngoài mấy chục triệu tấn gạo, mấy triệu tấn cà phê, nông nghiệp ta hôm nay đang đi tìm lối ra:

- Lối ra cho một nền nông nghiệp trang trại, kết hợp công nông đang phổ biến trên thế giới?

- Lối ra cho một nền nông nghiệp công nghệ cao để gắn với thị trường tiêu thụ thế giới?

Các con đường ra của nông nghiệp Việt Nam còn nhiều vất vả. Vì cũng phải kết nối với thị trường thế giới.

Cũng cần phải nói thêm cho rõ: Không chỉ ở Việt Nam, kinh tế thế giới hôm nay là kinh tế kết nối. Quốc gia nào cũng vậy, dù mạnh, dù yếu, dù lớn, dù bé.

Cùng với tình trạng chung đó, mỗi nền kinh tế (trước hết các nền kinh tế mạnh) đều có sắc thái riêng để giữ cho được tính tự chủ, sắc thái riêng đó nhìn thấy được cả trong cơ cấu kinh tế, cả trong cấu trúc sản phẩm.

Xe du lịch Nhật Bản, không giống xe du lịch châu Âu. Xe du lịch châu Âu chủ yếu bán được ở châu Âu. Xe du lịch Nhật Bản rất khó vào thị trường châu Âu.

Linh kiện, phụ kiện máy bay Boeing Mỹ, và Airbus châu Âu đều được sản xuất ở hàng chục nước trên thế giới, nhưng Boeing là Boeing, Airbus là Airbus. Đây chỉ là một vài nét khác biệt nhìn thấy.

Tất nhiên để tạo được sắc thái riêng của nền kinh tế là cả một khoa học và có cả tầng văn hóa, không phải mấy câu hô hào là có được.

PV: - Về cơ hội và thách thức. Các chuyên gia đã phân tích khá sâu các cơ hội của việc tham gia Hiệp định MDTD thế hệ mới, như cơ hội mở cửa thị trường, cơ hội tăng vốn đầu tư, gia tăng xuất nhập khẩu, cơ hội tiếp cận công nghệ… Riêng ông, ông có ý gì khác hơn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Những cơ hội nói trên ta đã nói lâu rồi, từ khi ta chuẩn bị gia nhập WTO. Nhưng cơ hội đó đang hiện hữu dù có Hiệp định MDTD thế hệ mới hay không. Không ai, không có gì cản trở Việt Nam đi tìm thị trường xuất khẩu, đi tìm kiếm đầu tư… Vấn đề là ở chỗ ta khai thác cơ hội như thế nào, ta có khai thác được không, và làm gì để khai thác được.

Tôi hiểu rằng, tham gia Hiệp định MDTD thế hệ mới là một cú hích mới. Không chỉ là cú hích thị trường và đầu tư mà quan trọng hơn là với những quy định, những cam kết trong các Hiệp định đó Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế phát triển, một nền kinh tế mở, công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần. Đó là một bước phát triển mới.

PV: - Về thách thức, các chuyên gia đã đề cập nhiều thách thức như quy mô sản xuất nhỏ bé, sức cạnh tranh kém, chất lượng và năng suất lao động thấp…Ông có gì bổ sung không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Qua 30 năm hội nhập kinh tế, ta nhận ra một thách thức mới, đó là sức ỳ, là sự vô cảm của bộ máy quản lý kinh tế từ trung ương đến địa phương. Sau khi gia nhập WTO bộc lộ cách làm việc đánh trống bỏ dùi, không ai thấy trách nhiệm của mình. Ngoài mấy bản hướng dẫn về cắt giảm các dòng thuế theo các Hiệp định, hình như không có một chỉ đạo, chỉ dẫn nào cho doanh nghiệp, mặc cho doanh nghiệp tự bơi trong biển hội nhập mênh mông đầy sóng gió.

Để thực thi cái Hiệp định MDTD thế hệ mới kỳ này, có hàng trăm hàng ngàn việc phải làm, nếu không thay đổi cách làm việc thì đừng nghĩ đến thành công. Vừa qua, việc chống tham nhũng có chuyển động, và đã có những kết quả ban đầu là nhờ sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo cao nhất. Nếu không thì cũng là nước chảy bèo trôi như từ trước đến nay.

PV: - Rút lại, ông hiểu thế nào về quyết định Việt Nam tham gia các Hiệp định MDTD thế hệ mới và Việt Nam cần làm gì để khai thác được các cơ hội do Hiệp định đem lại?

Ông Nguyễn Đình Lương: - Với các Hiệp định MDTD thế hệ mới, Việt Nam cam kết vững chắc thực hiện một nền kinh tế hội nhập theo các luật chơi, của nền kinh tế thế giới. Đó là một quyết định đúng đắn hợp thời đại. Nó sẽ là chỗ dựa để Việt Nam đưa nền kinh tế của mình chuyển sang giai đoạn phát triển mới

Trên cơ sở tư duy nhận thức mới, chúng ta nhận diện cho thật rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở độ nông, sâu nào trong dòng chảy toàn cầu hóa kinh tế và làm cho dòng chảy đó được thông suốt không gặp khúc mắc.

Việc phải làm không chậm trễ là khai thông dòng chảy, là dọn sạch rác bẩn đang cản trở dòng chảy như nạn tham nhũng tràn lan, như sự chi phối của lợi ích nhóm, như cách quản lý theo kiều "hành dân là chính", như nạn giấy phép con, giấy phép cháu…

Các quy định trong các Hiệp định MDTD thế hệ mới không chó phép tồn tại những cản trở đó, và sẽ hỗ trợ chúng ta xử lý.

Khi các Hiệp định vào hiệu lực, phải có chương trình kế hoạch thực thi một cách nghiêm túc các cam kết. Xin lưu ý Hiệp định TPP chỉ có hiệu lực với anh sau khi họ kiểm tra thấy việc triển khai của anh (như sửa đổi bổ sung luật pháp) đạt yêu cầu. Một khối lượng công việc khổng lồ cho mọi ngành, mọi cấp, cho cả Nhà nước, cả doanh nghiệp.

Đồng thời với việc đó, cần xây dựng một chiến lược hội nhập cho rõ ràng, áp dụng cho thời đại toàn cầu hóa kinh tế, phần trọng tâm trong chiến lược này là chiến lược kết nối, chiến lược xây dựng chuỗi.

Kết nối ngang, kết nối dọc, kết nối trong, kết nối ngoài, kết nối chung, kết nối từng lĩnh vực. Chiến lược kết nối phải trúng, trên cơ sở phân tích lợi thế kinh tế Việt Nam và nhu cầu, trình độ xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. Chiến lược kết nối phải gắn chặt với cách mạng công nghệ 4.0…

Một chiến lược đúng sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và cùng nhau triển khai, cùng theo đuổi một mục tiêu. Không có hướng dẫn chỉ đạo, cứ để mạnh ai nấy chạy, cứ để mặc doanh nghiệp và địa phương tự bơi - chúng ta sẽ thua cuộc.

PV: Xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Lương đã chia sẻ với Đất Việt!

Nguồn: baodatviet.vn