Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Từ đó, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Doanh thu bán lẻ xuyên biên giới đạt 256,1 nghìn tỷ đồng năm 2026
Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
TMĐTXBG được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...
TMĐTXBG từ lâu đã là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Tại các thị trường EU, số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, doanh số TMĐTXBG của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu. Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu TMĐTXBG trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.
Tỷ trọng TMĐTXBG trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020). Doanh thu TMĐT giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐTXBG sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Mới nhất, theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” vừa được Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) trong năm 2021. Dự kiến, B2C của Việt Nam sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tỷ trọng TMĐTXBG trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu TMĐT năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.
Những con số triển vọng trên đã chứng minh, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, việc bán hàng ra nước ngoài đã dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.
Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì?
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐTXBG vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: thông tin, năng lực, chi phí, quy định...
Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.
Câu chuyện làm sao để bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng như thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU,… cũng được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm. Tại một hội nghị diễn ra mới đây về TMĐTXBG, bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Bà Trang đưa ra một ví dụ cụ thể, với các doanh nghiệp may mặc, cần tìm hiểu kỹ thị hiếu của người Mỹ, họ thường chuộng các sản phẩm đơn giản, không cầu kỳ (ít chi tiết ren, bèo nhún…) và chú trọng chất lượng vải, đường may…
Thứ hai là cần xem xét yêu cầu ngành hàng, sản phẩm, lợi điểm bán hàng khi lựa chọn. Ví dụ các đồ handmade, thú bông móc bằng tay của Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần hết sức chú ý yếu tố an toàn sản phẩm do phía Mỹ có những yêu cầu an toàn nghiêm ngặt về sản phẩm cho trẻ em.
Trong khi đó, ng Vũ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, sau gần 1 năm phát triển hệ thống thương mại điện tử với Amazon vào thị trường Mỹ, Sunhouse đã rút ra hai bài học kinh nghiệm chính.
Thứ nhất là các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường vào Mỹ cần tìm hiểu rõ ngành nào, nhóm sản phẩm nào phù hợp để đưa vào Amazon. Ông Vũ Thanh Hải cho rằng, hiện nay có 2 nhóm ngành đó là hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ là những mặt hàng chúng ta có lợi thế sẵn có về nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công hơn các nước khác, có thể tiếp tục phát triển để đẩy mạnh vào Mỹ.
Thứ hai là hàng có lợi thế về thuế xuất. Ông Hải phân tích lý do vì sao trong gần 2.000 sản phẩm của tập đoàn, nhưng Sunhouse chỉ chọn 4 sản phẩm trong số đó để tấn công vào thị trường Mỹ qua kênh Amazon. Doanh nghiệp phải biết được mặt hàng đó có được hưởng ưu đãi về thuế xuất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay không, cụ thể chính là chênh lệch thuế xuất giữa hàng cùng chủng loại giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa Việt Nam và Mỹ là bao nhiêu? Bởi nếu tính bình quân về giá thành sản xuất, chúng ta không thể cạnh tranh được với hàng đến từ Trung Quốc. Chính vì thế, doanh nghiệp cần chọn mặt hàng nào mà thuế xuất Trung Quốc vào Mỹ cao hơn thuế xuất Việt Nam vào Mỹ khoảng 10% mới cạnh tranh được.
Nguồn: Tạp chí Thương Trường
- Ông Trump bác tuyên bố của Trung Quốc về việc không có đàm phán thương mại
- Trung Quốc bác bỏ tin đồn đàm phán thương mại với Mỹ
- Ông Trump dọa áp lại thuế đối ứng sau 2-3 tuần nữa
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
- Mỹ đánh giá cuộc điện đàm về thuế quan với Việt Nam là hiệu quả