Trải qua 4 đợt dịch bệnh Covid-19, thị hiếu của khách du lịch trong nước đã thay đổi, thay vì giá cả như trước, thì nay họ ưu tiên hơn về an toàn và hướng tới sản phẩm du lịch có chất lượng cao… Để thích ứng, doanh nghiệp du lịch Việt Nam tất yếu sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương pháp quản lý.

Xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp du lịch

Mặc dù tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến lĩnh vực du lịch nói chung và đối với doanh nghiệp du lịch nói riêng là hiện hữu và nặng nề, nhưng cũng gợi mở nhiều cơ hội để doanh nghiệp du lịch vượt qua thách thức.

Trải qua 4 đợt dịch bệnh Covid-19, thị hiếu khách du lịch dần thay đổi, chú trọng nhiều hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng linh hoạt hơn so với trước. Đặc biệt, thay vì giá cả, thì nay khách du lịch sẽ ưu tiên yếu tố về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao…

Trải qua 4 đợt dịch bệnh Covid-19, thị hiếu khách du lịch dần thay đổi, chú trọng nhiều hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng linh hoạt hơn so với trước. Đặc biệt, thay vì giá cả, thì nay khách du lịch sẽ ưu tiên yếu tố về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao…

Để thích ứng, doanh nghiệp du lịch Việt Nam tất yếu sẽ phải chuyển đổi và phát triển theo các xu hướng sau:

Kinh doanh du lịch trực tuyến: Đứng trước áp lực không có doanh thu và phải đóng cửa do dịch bệnh, khách hàng ngại tiếp xúc trực tiếp, các doanh nghiệp đã kịp thời chuyển hướng sang hình thức kinh doanh trực tuyến.

Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã tăng cường liên kết với các hãng lữ hành, hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu; kết hợp với các hãng lữ hành xây dựng gói dịch vụ combo gồm vé máy bay và phòng khách sạn giá siêu ưu đãi; tổ chức các tour ưu đãi, giảm giá sâu đối với phân khúc khách hàng truyền thống; mở rộng tới đối tượng khách lẻ và khách nội địa; tận dụng thời gian này để nâng cao nghiệp vụ tại chỗ…

Bên cạnh đó, thông qua điện thoại và email, bộ phận kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch liên tục duy trì mối quan hệ và gia tăng nguồn khách hàng thay thế; Chủ động thông báo với khách hàng về sự chuyển đổi, kế hoạch, chương trình ưu đãi...

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, thông qua việc cung cấp nhiều gói sản phẩm ưu đãi, hấp dẫn du khách.

Phát triển hệ thống điều khiển không cần tiếp xúc hay chạm tay: Đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu về giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, nâng cao tầm quan trọng của tính năng hệ thống điều khiển không cần tiếp xúc hay chạm tay đối với các lĩnh vực lưu trú, tự động hóa.

Thông qua tính năng kết nối internet hay bluetooth, khách hàng có thể điều khiển được tivi, hệ thống chiếu sáng trong phòng, loa âm thanh, rèm cửa hay thậm chí là máy điều hòa…

Theo đó, các điểm đến du lịch có thể áp dụng hình thức này, thay cho việc sử dụng vé vào cửa truyền thống.

Thay đổi thiết kế của không gian lưu trú: Phòng lưu trú của du khách sẽ không chỉ là nơi để nghỉ ngơi mà còn được kết hợp nhiều chức năng như phòng tập thể dục, phòng ăn và văn phòng. Điều này đòi hỏi hệ thống phòng, khu nghỉ dưỡng… cần thiết kế lại phù hợp hơn.

Tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam xác định phương châm hành động năm 2021 là “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa. Như vậy, để khôi phục và có thể khai thác hiệu quả thị trường du lịch trong nước, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, tập trung khai thác thị trường du khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch…

Hai là, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; Tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết, phối hợp giữa các đơn vị là cơ quản quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Du lịch Thế giới, Hiệp hội Du lịch ASEAN, Hội đồng Du lịch quốc tế…; Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại giữa DN, chuyên gia; Tổ chức các hoạt động thường kỳ như: Hội chợ Du lịch Quốc tế, Diễn đàn Du lịch ASEAN… nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển.

Ba là, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước. Theo đó, các chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được triển khai nhanh chóng như: chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2...

Bốn là, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Năm là, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hợp lý hóa cơ cấu nhân lực ngành Du lịch; Nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống đào tạo du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực. Để làm chủ được những công nghệ mới thì đội ngũ nhân lực phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh du lịch.

Sáu là, nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch và nhân lực ngành Du lịch, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn: Tạp chí Ngân hàng