Phiên đàm phán thứ 15 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

19/10/2016    233

Tại đây, đoàn đàm phán của 16 nước tham gia RCEP đã tập trung thảo luận và nỗ lực để thúc đẩy dự thảo lời văn và các cam kết của hiệp định nhằm thực hiện mục tiêu kết thúc đàm phán trong năm nay.

Phiên đàm phán thứ 15 của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP 15) được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc từ ngày 9 - 21/10/2016. Theo đó, các nhà đàm phán nhận định, hiệp định chắc chắn sẽ được hoàn thành nhưng không phải trong năm 2016. Các lãnh đạo cấp cao đã mong muốn có thể kết thúc sớm, nhưng hiệp định này sẽ cần đầu tư đáng kể về thời gian và nguồn lực để hoàn thành. Hiện tại, các nhà đàm phán đang phải “vật lộn” với các quy tắc, lời văn và cam kết trong một loạt các lĩnh vực như phát triển và hỗ trợ kỹ thuật, thương mại điện tử, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, viễn thông, quy tắc xuất xứ, pháp lý và thể chế, và thuận lợi hóa thương mại. Ngoài ra còn có các thảo luận về phòng vệ thương mại và mua sắm chính phủ.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực đang trong giai đoạn nước rút

Một hiệp định toàn diện như RCEP, để đạt được thỏa thuận và hoàn tất giữa các nước có khoảng cách khá lớn về mức độ phát triển, là thách thức đáng kể. Nhưng mục tiêu hướng đến là tham vọng cao nhất. Nếu không có tham vọng cao thì hiệp định đạt được sẽ có tác động rất hạn chế.

Đơn cử như với thương mại hàng hóa, theo các chuyên gia Trung tâm Thương mại châu Á phân tích, khi tập trung thương mại của hầu hết các đối tác RCEP, nếu các thành viên RCEP loại trừ một tỷ lệ phần trăm đáng kể các dòng thuế được điều chỉnh theo hiệp định, thì hầu hết thương mại cũng bị loại trừ. Việc tự do hóa hoàn toàn thực sự sẽ là thành công to lớn đối với hầu hết các nền kinh tế RCEP. Hiệp định này đi kèm với nhiều linh hoạt, đặc biệt với các nước kém phát triển và mang lại không gian chính sách cho các thành viên. Các cam kết ít hơn mức tham vọng đầy đủ được đặt ra có nghĩa là tác động thương mại cuối cùng, sau khi đã tính đến các linh hoạt, có thể vô cùng khiêm tốn hoặc không tồn tại.

Hiệp định sẽ được tăng cường đáng kể nếu tiến trình đàm phán được cải thiện theo hướng cho phép các bên liên quan tham gia và có ý kiến. Tuy nhiên hiện nay, việc truyền thông vẫn thiếu hoặc chưa đầy đủ. Điều này khiến các quan chức chính phủ phải dự thảo các quy tắc kinh doanh trong nhiều trường hợp mà không có thông tin đầu vào thực tiễn hoặc kinh nghiệm kinh doanh. Ví dụ, làm thế nào một quan chức có thể biết thành phần của sữa chua? Bao nhiêu mặt hàng này được giao dịch? Làm thế nào nhiều nhà giao dịch hoạt động được nếu thuế suất hoặc tiêu chuẩn hoặc giấy phép hoặc quy tắc đầu tư khác nhau? Quy tắc xuất xứ nào hữu ích nhất đối với người làm sữa chua trong RCEP? Hoặc các rào cản nào lớn nhất đối với thương mại cho người làm sữa chua tương tự? RCEP làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục cho người làm sữa chua thực hiện kinh doanh trong RCEP? Các câu hỏi tương tự này cũng đặt ra với hàng hóa hay dịch vụ. Trong hầu hết trường hợp, các nhà đàm phán phải đưa ra câu trả lời phù hợp. Điều này cũng đúng ngay cả ở các nước đã có lịch sử theo dõi đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, chỉ vì một quốc gia đã thực hiện thỏa thuận trong quá khứ không có nghĩa là tình huống cũng diễn ra tương tự với các doanh nghiệp trong RCEP.

Mặc dù đã trải qua 15 phiên đàm phán, nhiều nhà đàm phán RCEP cũng lo ngại việc mở rộng các phiên họp với các bên liên quan. Các bên liên quan không tham gia đàm phán nhưng họ có nhiều thông tin có giá trị. Điều này rất quan trọng và cần được khuyến khích bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể. Dự kiến tại phiên đàm phán tiếp theo vào tháng 12 tại Jakarta (Indonesia), có thể có các hoạt động chính thức hoặc hoạt động bên lề cho các bên liên quan nhưng cũng rất hạn chế. Và có lẽ RCEP phải bổ sung hai điều: Thứ nhất, RCEP sẽ mở ra tiến trình bình luận chính thức cho phép các doanh nghiệp và các bên liên quan khác góp ý kiến trực tiếp tới các nhà đàm phán. Tiến trình này sẽ không quá phức tạp. Thay vì quy trình cung cấp thông tin theo quy định pháp lý và nhiều bước, có thể khuyến khích các bên liên quan gửi thông tin trực tiếp cho nhà đàm phán và quan chức thông qua các cổng thông tin điện tử được xác định rõ ràng, chính thống. Thứ hai, các quan chức RCEP phải hợp tác tốt hơn với cơ quan truyền thông, vì cho đến nay, RCEP đã đạt được những thỏa thuận gì mà thế giới không biết thì quả là đáng lo ngại. Kết quả cuối cùng của đàm phán, RCEP sẽ tác động đến khoảng 3 tỷ người dân ở 16 quốc gia trong khu vực Đông Á, nên cần được cung cấp thông tin thường xuyên và cập nhật.

Nguồn: Báo Công Thương