Lợi thế từ hội nhập: Cơ hội không thể bỏ lỡ

04/02/2016    76

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã hoặc sắp ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ đến trong khoảng 5-7 năm tới. Nếu không biết tận dụng, doanh nghiệp sẽ bỏ qua “thời cơ vàng” để bứt phá.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Chính sách thương mại “TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam” do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - Việt Nam đang đứng trước thời cơ lịch sử để đổi mới. Việc hoàn thành hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo động lực lớn cho kinh tế đất nước phát triển đột phá. Tiêu biểu với Hiệp định TPP, hiệp định này dù bao gồm 30 chương nhưng nội dung xuyên suốt chỉ bao gồm trong hai chữ “tự do”. TPP không chỉ xóa bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn trao cho nhà đầu tư quyền tự do kinh doanh. Theo phương pháp chọn bỏ, trừ các ngành bị hạn chế, còn lại nhà đầu tư đều được tham gia. Ví dụ, trước kia, DN FDI phải đặt trụ sở ở Việt Nam, tức là phải có hiện diện thương mại, mới được kinh doanh. Nhưng với TPP, điều này sẽ bị loại bỏ. “Giờ là thời kinh doanh phi biên giới”- TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TPP đang là “thỏi nam châm” lớn thu hút nhiều quốc gia ASEAN. Tiêu biểu, Thái Lan và Indonesia đều đã tỏ ý muốn nhập cuộc vào “sân chơi” này. Hay một giả định khác được TS. Võ Trí Thành đưa ra: Vài năm nữa, EU sẽ quay lại để đàm phán một FTA với cả khối ASEAN. Nếu vậy, lợi thế của Việt Nam với hai hiệp định TPP và EVFTA sẽ không còn nhiều. Do đó, cơ hội chỉ đến với Việt Nam trong 5-7 năm tới.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích thêm: Thách thức thực sự của Việt Nam trong việc tận dụng lợi ích từ hội nhập chính là những vấn đề nội tại. Bởi lẽ, vị thế kinh tế của Việt Nam trong TPP còn rất khiêm tốn. Nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ chỉ chuyển hướng thương mại từ nước này sang nước khác chứ không đơn giản là tăng trưởng xuất khẩu.

Dưới quan điểm của một chuyên gia kinh tế quốc tế, bà Mariam Garcia Ferrer - Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) - cho biết: Trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong hội nhập là việc tuân thủ các quy tắc về hàng hóa và tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào để hưởng ưu đãi xuất xứ. Hơn nữa, DN Việt Nam cần có chiến lược xúc tiến quảng bá ở châu Âu một cách phù hợp để xây dựng hình ảnh và thương hiệu hàng Việt.

Thời gian không còn nhiều nên muốn biến thời cơ trở thành lợi ích thực tế và để thích nghi với hội nhập, TS. Võ Trí Thành cho rằng, DN Việt cần lưu ý 3 điều. Trước hết, tìm cách để hoạt động trong những ngành mà Việt Nam có lợi thế. Thứ hai, tìm hướng tiếp cận, kết nối được với các DN lớn. Thứ ba, hướng vào phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông minh, các sản phẩm dịch vụ xanh…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị: Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề: Quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng, cải cách các thị trường nhân tố (vốn, đất, công nghệ…) nhằm biến khu vực này thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử