Tham gia AEC số việc làm của Việt Nam dự báo tăng 14,5% đến năm 2025
14/01/2016 123Sáng 13/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu về thị trường lao động Manpower Group tổ chức Hội thảo Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia vào AEC thì số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025.
Tuy nhiên, với sự phát triển không đồng đều hiện nay thì lao động có trình độ tay nghề của Việt Nam vẫn còn thấp. Kết quả khảo sát của người sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN thì các doanh nghiệp (DN) hiện nay vẫn đang lo ngại tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề. 50% DN cho biết, người lao động phổ thông ko có đủ những kỹ năng cần thiết cho DN. Bên cạnh đó, “lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có kỹ năng kiến thức vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của người sử dụng lao động cần” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Trong bối cảnh như vậy, việc di cư lao động có kĩ năng vừa và thấp được dự báo có thể gia tăng. Ông Simon Matthews - Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - cho rằng, lợi ích đáng chú ý của việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng. Việc di chuyển này được thực hiện khi mà trình độ của những lao động này được công nhận trong các nước thành viên ASEAN. Những thỏa thuận này giúp người lao động có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp sẽ được chứng nhận đi làm việc ở nước ngoài tự do.
Theo bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc hình thành khối AEC, sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động là thị trường lao động dồi dào với nhiều cơ hội tuyển chọn lao động cũng như thêm các cơ hội kinh doanh khi nhiều nhà đầu tư đến.
Có 8 nghề được công nhận tự do dịch chuyển, chiếm 1,5% trong lực lượng lao động ASEAN. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là, hầu hết sự di chuyển hiện nay trong ASEAN là lao động không có kỹ năng. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là, cần nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
- Doanh nghiệp Việt 'bỏ quên' thị trường ASEAN
- Kinh tế của khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024
- Cập nhật dự báo kinh tế khu vực ASEAN năm 2024
- Đầu tư vào Fintech ở Đông Nam Á giảm 65%, xuống còn 2 tỷ USD trong năm 2023
- Nhiều quốc gia ASEAN chạy đua phát triển siêu cảng, Việt Nam vẫn gặp khó thủ tục hành chính