Mở cửa bầu trời ASEAN, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn

04/01/2016    161

Khi “mở cửa bầu trời”, các hãng hàng không trong khu vực cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Khi “mở cửa bầu trời”, các hãng hàng không trong khu vực nói chung và các hãng hàng không Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng mạng đường bay và tăng cường hợp tác, song cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GTVT chia sẻ với Báo Giao thông sau khi vừa kết thúc Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 21 (ATM 21).

Kết nối GTVT giữa Việt Nam và ASEAN nổi bật trên lĩnh vực hàng không

Kết thúc ATM 21, Việt Nam đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Hội nghị ATM năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là dấu mốc kết thúc 5 năm thực hiện kế hoạch Chiến lược GTVT ASEAN 2011-2015 và bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch Chiến lược GTVT ASEAN giai đoạn 2016-2025 (kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur) mà các Bộ trưởng vừa thông qua tại Hội nghị ATM 21.

Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 9 Dịch vụ Vận tải Hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Tại gói cam kết này, Việt Nam đưa ra bản chào nâng cao đối với các phân ngành dịch vụ là: Sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay; Bán và tiếp thị sản phẩm; Đặt giữ chỗ bằng máy tính; Thuê tàu bay kèm tổ bay; Thuê tàu bay không kèm tổ bay. Việc chào nâng cao của Việt Nam lần này chủ yếu mang tính kỹ thuật, không vượt quá mức độ cam kết của Việt Nam trong WTO và do đó không gây tác động lớn tới các DN của ta đang cung cấp các dịch vụ tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông, vấn đề kết nối GTVT giữa Việt Nam và ASEAN trong thời gian qua có những điểm gì nổi bật? Đột phá chúng ta có được kể từ khi tham gia Hội nghị ATM là gì?

Trong thời gian qua, Việt Nam chủ động thực hiện các cam kết về kết nối GTVT trong ASEAN và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Về kết nối vật chất, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các cam kết về phát triển mạng lưới đường bộ ASEAN, hoàn thành việc xác định 18 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 4.237 km đưa vào 8 tuyến đường bộ ASEAN trên lãnh thổ Việt Nam, hoàn thành việc lắp đặt các biển báo trên các tuyến AH từ năm 2013, hoàn thành nâng cấp 1.317 km đường “dưới cấp III” lên cấp III theo tiêu chuẩn đường bộ ASEAN từ năm 2004 đến nay; đã và đang nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam trong dự án Đường sắt Singapore- Côn Minh; đã kết nối vận tải thủy nội địa với ASEAN thông qua Campuchia; cơ bản hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp, nâng cao năng lực các cảng biển Việt Nam trong mạng lưới cảng biển ASEAN...

Về kết nối thể chế, Việt Nam là một trong số các nước đầu tiên hoàn tất việc ký kết và phê duyệt tất cả các Hiệp định khung ASEAN và các Nghị định thư thực hiện về tạo thuận lợi vận tải đã ký kết trong ASEAN, cũng như các thỏa thuận hợp tác vận tải hàng không theo đúng Lộ trình Hội nhập vận tải Hàng không (RIATS), tiến tới hình thành thị trường vận tải Hàng không thống nhất ASEAN.

Cơ hội mở rộng nhưng nhiều thách thức

Theo ông, những khó khăn chúng ta phải đối mặt khi tham gia vào quá trình kết nối GTVT ASEAN là gì?

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai kết nối ASEAN như: Còn khoảng 390 km đường quốc lộ thuộc mạng đường ASEAN chưa đạt tiêu chuẩn cấp III cần được khẩn trương đầu tư nâng cấp.

Trong lĩnh vực đường sắt, Việt Nam đã cam kết hoàn thành xây dựng 2 tuyến là Sài Gòn - Lộc Ninh dài 129 km, kết nối với Campuchia và Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ dài 119 km kết nối với Lào vào năm 2020 nhưng đến nay việc triển khai còn chậm trễ do thiếu vốn đầu tư.

Mặc dù những năm gần đây, hệ thống GTVT của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư và có bước phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trong nước. Nhưng xét về tổng thể, việc đáp ứng nhu cầu kết nối trong khu vực vẫn còn kém hơn một số nước do một số nguyên nhân chủ yếu như: Nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển (dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, phần Bộ GTVT trực tiếp quản lý là 1.015.106 tỷ đồng) và mục tiêu kết nối khu vực;

Hệ thống thể chế, chính sách ngành GTVT còn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để đáp ứng và tương thích với hệ thống luật pháp của khu vực và thế giới; Năng lực tài chính và cạnh tranh của DN trong nước về vận tải biển, vận tải đường bộ, vận tải đường sắt nhìn chung còn thấp, dẫn tới sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào kết nối và khai thác vận tải quốc tế, vận tải xuyên quốc gia còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng dịch vụ cung cấp.

Riêng trong lĩnh vực hàng không, lộ trình mở cửa bầu trời đã được các nước ASEAN đặt ra và xác định ưu tiên thực hiện. Chính sách này hiện đang được chúng ta triển khai ra sao?

Ngay trong quá trình xây dựng lộ trình “mở cửa bầu trời”, Việt Nam đã rất tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Sau khi ký kết ba Hiệp định đa biên ASEAN về hàng không là: Hiệp định đa biên ASEAN về vận tải Hàng không, Hiệp định đa biên ASEAN về Tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải Hàng hoá Hàng không, Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không, Việt Nam đã khẩn trương hoàn tất phê duyệt để có thể triển khai thực hiện. Các Hiệp định này hiện nay có thể được thực hiện đầy đủ giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác đã phê duyệt Hiệp định, không có trở ngại gì.

Đến nay, Việt Nam không duy trì hạn chế thương quyền 3, 4, 5 giữa các các sân bay quốc tế của Việt Nam với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng có chính sách khuyến khích hàng không các nước, trong đó có các nước ASEAN, tăng cường mở rộng mạng đường bay đến các sân bay thứ cấp của Việt Nam như Phú Bài, Liên Khương, Phú Quốc... thông qua các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí tại các cảng hàng không này.

Khi mở cửa bầu trời ASEAN, các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Theo ông, chúng ta phải làm gì để biến thách thức thành cơ hội?

Đúng vậy, khi mở cửa bầu trời, các hãng hàng không trong khu vực nói chung và các hãng hàng không Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng mạng đường bay và tăng cường hợp tác, nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức, đó là cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không của ta cần nhanh chóng chuyển mình, cải tiến một cách mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn ở mức cao nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tận dụng tốt nhất các cơ hội của Thị trường Hàng không Thống nhất ASEAN cũng như các thỏa thuận tự do hóa thị trường hàng không giữa ASEAN với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU... đã, đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Giao thông