Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Triển khai đồng bộ các giải pháp để đối mặt thách thức AEC

22/12/2015    386

(HQ Online)- Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào 31-12-2015, tạo ra một thị trường chung cho 10 nền kinh tế ASEAN. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng đem lại không ít thách thức cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Để nắm bắt được những tiềm năng, cả cơ quan quản lý và DN bảo hiểm đều phải cùng “vào cuộc”.

Tiềm năng lớn

Phân tích về những cơ hội mà thị trường bảo hiểm Việt Nam có được từ AEC, TS. Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định: Sự ra đời của AEC cũng đồng nghĩa với việc ra đời một thị trường chung đầy tiềm năng. Với tổng GDP của các nước ASEAN đạt 2.600 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 5% mỗi năm, dân số trên 625 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân gần 4.000 USD/người/năm, thương mại nội khối ASEAN khoảng hơn 600 tỷ USD, việc tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực, từ đó tăng cường nhu cầu về dịch vụ bảo hiểm. Sự phát triển của vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không trong nội khối ASEAN cũng sẽ là tiền đề để phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới cho thị trường. Cùng với đó, các DN bảo hiểm Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng đầu tư ra ngoài lãnh thổ, còn ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi đáng kể từ dòng chảy lao động; giúp giải quyết vấn đề khó khăn về nhân sự cấp cao, đặc biệt là nhân sự về chuyên gia tính toán bảo hiểm; đầu tư, luật, phân tích rủi ro.

TS. Nguyễn Viết Lợi cho biết thêm: Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của thị trường ASEAN vẫn còn thấp. Theo một báo cáo của Công ty Milliman (một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn trong đó có lĩnh vực bảo hiểm), tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của thị trường ASEAN vẫn còn thấp so với các quốc gia đang phát triển. Cụ thể, năm 2013, Singapore là quốc gia phát triển nhất về bảo hiểm trong khối ASEAN cũng chỉ đạt tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm là 4,8% GDP, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 12,1% của Hồng Kông và 8% của Nhật Bản. Đa số các quốc gia còn lại của ASEAN đều có tỷ lệ dưới 2%. Bối cảnh đó mở ra một cơ hội lớn cho thị trường bảo hiểm nhân thọ mở rộng thị phần.

Đặc biệt, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối AEC sẽ tạo ra một thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước với các DN nước ngoài, tăng cường thu hút vốn nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trong nước. Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn đang duy trì tối đa ở mức 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, năm 2015, các nước phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ tài chính để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư từ các nước thành viên AEC có thể tham gia sâu hơn vào thị trường bảo hiểm của Việt Nam và ngược lại.

Bên cạnh những tiềm năng trên, sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các DN bảo hiểm là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh của các DN cung ứng dịch vụ Việt Nam. Nhận được sự hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ xây dựng năng lực quản trị tiên tiến, các DN bảo hiểm trong nước sẽ được tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản trị, phát triển sản phẩm mới vào quản lý, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính. Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên thị trường tài chính cũng giúp mở rộng cơ hội đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Khi đó, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn đa dạng hơn đối với các sản phẩm bảo hiểm; các sản phẩm cũng được nâng cao chất lượng hơn để cạnh tranh.

Đặc biệt, sự tự do luân chuyển các dòng vốn sẽ khiến cho quy mô thị trường bảo hiểm tăng lên đáng kể và trở thành kênh huy động vốn của DN, đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải tự đổi mới

Có thể thấy, tiềm năng mà AEC mang lại cho thị trường bảo hiểm Việt Nam là rất lớn, song những thách thức cũng không nhỏ. Theo nhận định của Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ phải đối mặt với yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm để đáp ứng được các cam kết hội nhập đồng thời đảm bảo quản lý, giám sát một cách an toàn hiệu quả. Các DN bảo hiểm trong nước cũng phải đối mặt với mức độ cạnh tranh gia tăng gấp nhiều lần trước sự chuyên nghiệp hóa trong các kênh phân phối, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm của các thị trường phát triển, những quốc gia thành viên dự báo là sẽ được hưởng lợi lớn hơn Việt Nam khi AEC ra đời như Singapore, Phillipines và Malaysia.

Chia sẻ về những giải pháp, ông Trần Đức Trung – Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: Để nắm bắt được những tiềm năng khi gia nhập AEC, hoàn thành được những mục tiêu về phát triển thị trường đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cả phía cơ quan quản lý và DN bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường phát triển bình đẳng, bền vững, đảm bảo không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước; triển khai xây dựng các quy định pháp lý theo đúng lộ trình đã cam kết  nhằm vừa thực hiện được cam kết; vừa bảo đảm cho sự an toàn của thị trường và các DN trong nước. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong thời gian tới sẽ được xây dựng theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN, thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, kênh phân phối mới, khuyến khích DN đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại để tiếp cận rộng hơn tới mọi đối tượng khách hàng. Phương thức quản lý, giám sát cũng sẽ được đổi mới theo hướng tăng cường đối thoại trực tiếp, nắm bắt sát sao tình hình của DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Về phía các DN bảo hiểm, ông Trung cho rằng: Để có thể phát triển trong quá trình hội nhập nói chung và gia nhập AEC nói riêng, các DN cần tự rà soát, điều chỉnh các quy trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và chất lượng phục vụ, phát triển sản phẩm theo hướng linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc phát triển chiều rộng phải được đi kèm cùng phát triển chiều sâu thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị DN, chú trọng tới chất lượng của đội ngũ đại lý và các kênh phân phối, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia tính phí.

Nguồn: Hải Quan Online