Doanh nghiệp nên nhìn xa hơn thị trường AEC

18/12/2015    99

(TBKTSG Online) – Cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với hơn 650 triệu dân sẽ hình thành, việc kinh doanh giữa các quốc gia sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy doanh nghiệp Việt cần xem AEC chỉ là điểm quá độ chứ không phải là đích đến.

Ý kiến trên được hai diễn giả là Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), và Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM, đưa ra tại hội thảo “AEC – Những câu hỏi nóng” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nhân dẫn đầu tổ chức sáng 17-12.

Bảo vệ cho nhận xét nêu trên của mình, ông Trương Minh Huy Vũ đưa ra một số ý lý giải, cụ thể: tỷ lệ thương mại nội khối ASEAN tương đối thấp, chỉ khoảng 25%; thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối ASEAN cũng khá thấp so với hai thị trường chính của Việt Nam là Mỹ và châu Âu; cơ cấu thương mại giữa các quốc gia ASEAN mang tính cạnh tranh hơn là bổ sung cho nhau; đầu tư nội khối lẫn nhau thấp, chưa kể các quốc gia còn cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút FDI; và AEC cũng chỉ là một trong số 15 hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký.

Bổ sung thêm ý của ông Vũ, ông Phạm Sỹ Thành phát biểu, AEC đạt được từ những gì đã kế thừa trước đây như WTO, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc)… Trước khi AEC hình thành thì hơn 90% dòng thuế giữa các quốc gia nội khối đã được cắt giảm. Do vậy, AEC không tạo ra một sự đột phá có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp.

Sau khi AEC hình thành, 669 dòng thuế còn lại liên quan đến các lĩnh vực ô tô, sắt thép, sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ được cắt giảm dần. Việc này giúp Việt Nam có thêm nguồn nhập khẩu linh kiện liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ cũng như ô tô. Ở một khía cạnh nào đó, điều này giúp Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, ông Thành nhận xét.

Vậy đâu là đích đến trong chiến lược dài hạn đối với các doanh nghiệp?

Theo ông Thành, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tự do thương mại song  phương Việt Nam – EU vẫn là các khuôn khổ rất đáng quan tâm về dài hạn bởi những tác động mạnh mẽ của chúng.

Riêng TPP, thách thức từ hiệp định này sẽ rất lớn và không thể lường trước được.

Phát biểu tại hội thảo, ông Thành cho biết hiện khoảng 6.000 trang tài liệu TPP vẫn đang được các phái đoàn đi đàm phán dịch sang tiếng Việt và chưa hoàn tất. Trong khi đó, tại Nhật, sổ tay về TPP đã được phát đến từng doanh nghiệp đã, đang và sẽ kinh doanh tại 12 nước thành viên TPP.

“Cách làm của Nhật rất đáng để chúng ta tham khảo. Họ không những dịch mà còn diễn giải nội hàm các khái niệm TPP để doanh nghiệp hiểu rõ, từ đó đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Họ làm được điều này bằng cách tận dụng sức mạnh của các hiệp hội doanh nghiệp. Phần nào liên quan đến các doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội sẽ mời chuyên gia đến để phân tích, giải thích rõ cho doanh nghiệp hiểu và sau đó biên soạn lại thành bộ cẩm nang”, ông Thành nói.

Tại Việt Nam, việc tìm được chuyên gia phù hợp xem ra rất khó.

Sở dĩ nói khó là vì theo ông Vũ, doanh nghiệp nên tham vấn ý kiến từ những người tham gia đoàn đàm phán TPP vì họ hiểu rất rõ ngọn ngành từng điều khoản đàm phán. Thế nhưng danh sách những người đàm phán này gồm những ai, làm sao tiếp cận được thì đến nay doanh nghiệp vẫn chưa biết được.

Nguồn tham vấn thứ hai được ông Vũ gợi ý, đó là các nhà nghiên cứu định lượng.

Vậy câu hỏi đặt ra là tìm các nhà nghiên cứu này ở đâu? Ông Vũ cho biết ở Việt Nam tìm những nhà nghiên cứu, chỉ riêng một ngành trong TPP, chứ chưa nói đến toàn thể hiệp định TPP, không hề dễ. Bản thân ông chỉ dám nhận mình có hiểu biết về vấn đề lao động và công đoàn; còn liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thì ông Phạm Sỹ Thành là người có những nghiên cứu thống kê, phân tích chi tiết.

Một điều cần lưu ý với các doanh nghiệp, theo ông Thành, đó là tính ràng buộc của hiệp định TPP rất cao, chế tài khắc nghiệt, xử lý nghiêm khắc nếu doanh nghiệp vi phạm các điều ước trong hiệp định. Cụ thể người vi phạm có thể bị phạt đến 50 triệu đô la Mỹ và thậm chí là bị đi tù.

Đáng lưu ý hơn, hiệp định TPP lại rất phức tạp. Lấy chính ví dụ từ Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ - đơn vị tham dự hội thảo, ông Thành phân tích “Với AEC, công ty Bùi Văn Ngọ có thể bán các sản phẩm cơ khí cho Malaysia bình thường mà không cần quan tâm đến yếu tố bản quyền phần mềm được sử dụng trong quá trình làm ra sản phẩm. Nhưng một khi hiệp định TPP được ký kết và thực thi, chuyện bản quyền nhất định phải được quan tâm đến nếu không muốn bị kiện, thậm chí bị phạt”.

Do vậy, ông Thành khuyên các doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ TPP để tránh bị kiện tụng và tổn thất. “Tuy nhiên, bị kiện không phải lúc nào cũng xấu bởi nó có thể giúp doanh nghiệp chuyển từ ao nhà sang biển lớn”, ông Vũ tiếp ý.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online