Hội nhập - đã chơi là phải tự tin

16/12/2015    89

(HQ Online)- Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào một sân chơi có nhiều thách thức. Chia sẻ quan điểm của mình, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành (ảnh), nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện những gì mình có vì con người Việt Nam đủ khát vọng, ý chí và nghị lực. 

Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trước AEC?

AEC là hình mẫu liên kết của các nước đang phát triển. Nếu TPP cơ bản là luật chơi thị trường đàng hoàng, minh bạch thì AEC lại hướng tới tự do hóa và nhấn mạnh tới hợp tác, kết nối. Nếu bỏ chữ kết nối thì không còn là ASEAN. ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một cơ hội “trời cho” để Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này, 5-7 năm nữa, Việt Nam không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hội nhập của DN Việt. Theo ông có đúng không?

Các DN Việt Nam mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng đều ủng hộ hội nhập và cho rằng, hội nhập đem lại cơ hội lớn để làm ăn kinh doanh. Thế nhưng, nếu đi sâu một chút, cái mà chúng ta lo ngại là sự hiểu biết một cách thực chất của DN về các cam kết, tiến trình hội nhập để chuyển hóa những cam kết, quy định, cách chơi ấy vào các ý đồ, kế hoạch, chiến lược kinh doanh thì thực sự còn yếu.

Nếu đi tìm hiểu, các DN lớn của Việt Nam, các tập đoàn kể cả của tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đang khẩn trương lồng ghép các nội dung hội nhập vào chiến lược, ý đồ và kế hoạch kinh doanh. Chúng ta đều biết DN Việt Nam cũng giống như nhiều nước là có quy mô vừa nhỏ, nhưng cái vừa và nhỏ của DN Việt Nam là li ti và khả năng tiếp cận, chuyển hóa thành sự bài bản trong làm ăn là yếu và cái yếu này dẫn đến hai trường hợp của DN Việt Nam.

Một số ít DN cố gắng bươn chải, học hỏi để vươn lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó là  không ít DN chặc lưỡi, chờ vào cuộc chơi rồi vấp ngã và học cách đứng dậy.

Tôi từng hỏi một DN XK, sau khi ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), từ năm 2000 đến năm 2014, kim ngạch XNK của DN này tăng nhiều tỷ USD mỗi năm, nhưng 14 năm XK sang Hoa Kỳ, học phí mà DN phải trả như chi phí trong các vụ kiện tụng vào khoảng 60-70 triệu USD. Như vậy, nếu chúng ta muốn làm ăn bài bản, cần có sự đầu tư còn không thì anh phải trả phí trong quá trình hội nhập.

Vậy có đáng lo ngại không khi chưa nhiều DN thật sự có những chuẩn bị kỹ càng, thưa ông?

Với một đất nước mà nhiều nước lớn chưa công nhận là nền kinh tế thị trường, đời sống còn khó khăn, năng lực thể chế còn nhiều yếu kém, gắn với những cam kết hội nhập, quả thực đây là nghịch lý bởi nhiều nước có trình độ phát triển cao hơn mà còn e ngại với những hiệp định thế hệ mới. Ở đây có mấy câu hỏi. Một là: So với năng lực trình độ của Việt Nam, tham gia như vậy có nhanh quá không? Tôi nói là không. Việt Nam đã trải qua gần 30 năm đổi mới, đã học hỏi và rút được nhiều kinh nghiệm. Tất nhiên thách thức là lớn, tuy nhiên, chúng ta đã thấy được, để làm được cần chơi với những người giỏi, gắn với những hiệp định yêu cầu cao, qua đó học hỏi, gây áp lực thúc đẩy cải cách mà mình thấy cần thiết cho Việt Nam.

Hai là: DN Việt có trụ được không? Nền kinh tế có hưởng lợi được không? Thực tiễn khi ký BTA với Hoa Kỳ năm 2000 có lúc chúng ta e ngại bởi đó là một thị trường cao cấp, pháp lý phức tạp, làm sao chúng ta tiếp cận được. Thế nhưng sau 1-2 năm, Hoa Kỳ trở thành thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh là ta làm được và đã chơi là phải tự tin.

Người Việt Nam chúng ta đủ nghị lực, khát vọng, ý chí và cũng đủ trí khôn nhưng đôi khi nếu không có sức ép, không nước đến chân thì không bộc lộ ra. Đây cũng là một lần, một cơ hội, một cách để những gì hay nhất, tốt nhất chúng ta hãy bộc lộ ra.

Với những điều ấy, tôi lạc quan với tiến trình hội nhập của Việt Nam nhưng không phải lạc quan tếu mà là sự lạc quan khi khát vọng trở thành cảm hứng, tư duy, suy nghĩ, tính toán và hành động của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Hải Quan Online