Những Hiệp định tự do thương mại mới - Bờ gần, bến xa

30/01/2015    78

Với những người vất vả đàm phán cả năm qua thì những ngày cuối 2014 thực sự là những ngày hái quả. Với tương lai kinh tế của Việt Nam, những ngày này cũng là dấu mốc quan trọng cho tiến trình mở cửa thương mại theo chiều sâu mà chúng ta đã bắt đầu từ vài năm nay. Phân nửa số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán bấy lâu đã cơ bản hoàn tất. Số còn lại nghe đâu cũng đã đang rất gần bờ.

Với những người thận trọng hơn, muốn nhìn tận mặt những lợi ích của tự do hóa thương mại, muốn đong đếm tận tay những thành quả của mở cửa bằng thu nhập của những người lao động Việt, bằng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt, thì có lẽ chuyện này chưa hẳn đã là đủ. Bến đỗ của thịnh vượng cho nền kinh tế nước nhà trên con tàu TFA dường như vẫn còn xa ngái.

Nào những bờ gần...

Chỉ một vài tháng trước đây, có lẽ không ai dám tin rằng những cuộc đàm phán thương mại mà Việt Nam đang thực hiện lại đi được những quãng dài như vậy để tới bờ.

Với đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA tham vọng nhất mực, những tưởng đã có đủ lý do để hoàn tất ngay nửa đầu năm 2014. Trước đó, các Bộ trưởng TPP thậm chí đã khoanh vùng được các “điểm đỗ” (“landing zones”). Thêm nữa, nguy cơ bối cảnh chính trị đảo chiều sau một loạt các cuộc bầu cử nửa cuối năm 2014 ở Úc, Chi lê, Hoa Kỳ... cũng thúc giục TPP phải nhanh chân. Vả lại cũng đã đến lúc phải sốt ruột lắm rồi, TPP sắp đạt kỷ lục về thời gian đàm phán với ngót nghét hai chục Vòng chính thức và vô số cuộc gặp trong hơn 6 năm trời.

Rồi thì hy vọng về một TPP hoàn tất cứ rơi rụng dần.Theo những cuộc gặp song phương căng thẳng và kín bưng giữa Mỹ và Nhật, quanh câu chuyện mở cửa các mặt hàng nông sản và ô tô mà cả hai đều coi là thiêng liêng. Theo những giằng co không ngã ngũ về việc bao giờ Nghị viện Mỹ đồng ý trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống và thông qua cả gói TPP khi hoàn tất đàm phán (TPA). Theo cả những ngại ngần của các nước còn lại trong TPP; cũng phải thôi, ai mà dám rút ruột đưa ra tất cả những gì mình có khi đối tác lớn nhất còn chưa thể chắc về mình.

Thế mà những ngày giữa tháng 12 cơ hội kết thúc đàm phán TPP lại được nhen nhóm khi các nước TPP thống nhất được về lịch trình đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 1, sau đó sẽ là cuộc gặp cấp Bộ trưởng TPP. Thậm chí nghe đâu các nước đã lên kế hoạch rà soát lại các chương đã thống nhất được, sẵn sàng cho kết thúc đàm phán TPP ngay khi có thể. Ở Mỹ, người ta còn rục rịch lên kế hoạch cho việc đánh giá tác động và phê chuẩn TPP theo quy trình nội bộ cuối năm 2015.

Đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), một đàm phán mở cửa thương mại quan trọng ngang ngửa TPP, cũng đứng trước sức ép không thể lớn hơn để kết thúc đàm phán năm 2014. Ngay từ đầu năm các nhà đàm phán đã phải vắt chân lên cổ với hy vọng đạt được thỏa thuận cơ bản trước khi Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán EVFTA của EU, chuyển sang nhiệm kỳ mới vào tháng 10/2014. Mà đằng thẳng ra thì đàm phán này không phải quá khó khăn với Việt Nam sau khi đã được trui rèn qua “lò lửa TPP” cùng với những câu chuyện tương tự. Quan trọng hơn, đối tác EU được tiếng là nhẹ nhàng, ít thực dụng và nhiều thông cảm hơn một số đối tác trong TPP.

Mà rồi thành sự chẳng tại nhân. Một Ủy ban châu Âu mới đã tiếp nhận nhiệm sở mà bản thảo đàm phán EVFTA vẫn còn dang dở. Rồi chuyến thăm châu Âu giữa tháng 10 của Thủ tướng Việt Nam cũng không thể là dịp để tuyên bố kết thúc đàm phán EVFTA.

Hy vọng cho EVFTA lại vụt lóe vào cuối năm khi mà cuối tháng 11, Thỏa thuận Đối tác Toàn diện (PCA) giữa EU và Việt Nam được ký chính thức, làm cơ sở thúc đẩy tiến trình hoàn thiện đàm phán EVFTA. Và chỉ vừa giữa tháng 12 này, Bộ trưởng Công thương Việt Nam thông tin đàm phán EVFTA đã thống nhất được về cơ bản và chỉ còn một vài vấn đề cần thảo luận thêm trước khi có thể chính thức hoàn tất.

Với Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam đang cùng ASEAN đàm phán với 6 nước đối tác ngoài ASEAN (trong đó có Trung Quốc) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Khối EFTA (VEFTA), 2014 không phải là mục tiêu kết thúc bởi cả hai chỉ mới bắt đầu cách đây không lâu. Dù vậy người ta vẫn hy vọng những tiến triển vượt bậc trong 2014, với một RCEP khá đơn giản, hầu như chỉ là mở rộng thêm và hài hòa các FTA đã có giữa ASEAN với từng đối tác, và một VEFTA gần như không khác lắm so với EVFTA. Thế rồi năm 2014 lại chẳng chứng kiến bước nhảy vọt nào trong kết quả đàm phán.

Hai con tàu thấy bờ đúng lịch trình hy vọng của 2014 là FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Karzakstan (VCUFTA). Việc hai FTA được tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán liên tiếp trong nửa đầu tháng 12 này không phải là chuyện khó dự đoán, bởi đây dường như là hai đàm phán ít gai góc nhất. Với VKFTA thì là bởi vì phạm vi hẹp, gần như chỉ liên quan tới thương mại hàng hóa, mà thực chất thì là mở rộng hơn so với FTA ASEAN – Hàn quốc (AKFTA) đang có hiệu lực. Với VCUFTA thì là do mức độ tham vọng không lớn, chỉ dỡ bỏ những hàng rào trong thương mại hàng hóa vốn đang khá cao, Việt Nam hiện là đối tác duy nhất đang đàm phán FTA với Liên minh này, Nga thì lại đang gặp khó trước sức ép cấm vận từ các nước phương Tây và cần tìm kiếm càng sớm càng tốt các nguồn cung thay thế.

Nào những bến xa…

Bằng hai FTA vừa kết thúc đàm phán, cả Hàn Quốc và Liên minh thuế quan đều dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như tôm, cá, hoa quả, dệt may… Việt Nam mở cửa cho bạn những sản phẩm mà sản xuất trong nước đang cần như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu… Có lẽ đây cũng sẽ là kịch bản mở cửa thị trường hàng hóa chung trong các FTA còn lại mà Việt Nam đang cố gắng kết thúc đàm phán.

Dù vậy, nếu như bến đỗ mà con tàu kinh tế Việt Nam mong ngóng không chỉ là những cam kết mà là những lợi ích được hiện thực hóa từ các cam kết này thì có lẽ kết thúc đàm phán các FTA là chưa đủ.

Đầu năm nay, không ít người đã phải giật mình khi nghe con số trung bình vỏn vẹn chưa đầy 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác FTA tận dụng được ưu đãi thuế quan. Tới giữa năm, rất nhiều người đã phải ngậm ngùi trước con số kỷ lục hơn 60% thành tích xuất khẩu nằm trong tay thiểu số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cuối năm, giới kinh doanh lại xôn xao trước thương vụ mua lại Metro của Tập đoàn Thái Lan và câu chuyện nay mai hàng Thái sẽ ngoạm dần chợ Việt trong một tương lai Cộng đồng kinh tế ASEAN… Có vẻ như trong khi chúng ta còn lúng túng không biết làm thế nào để hiện thực hóa những cơ hội, các nguy cơ đã lấn lướt mất rồi.

Mà cứ giả sử từ bài học đắng của quá khứ mà ta có thể làm tốt hơn cho các FTA đang sắp cập bờ thì cũng còn nhiều lắm những lý do để lo lắng. Chúng ta tự hào về một dân số “vàng” nhưng bao nhiêu sẽ là đủ nếu năng suất lao động của lực lượng ấy lại là “thau”? Chúng ta có thể tự tin về sức mạnh của vựa nông sản nữa hay không khi trong nhà ngập tràn thực phẩm nhập khẩu, còn ngoài cửa thì bị o ép đủ bề? Chúng ta có còn kiêu hãnh về sức hấp dẫn của mình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài không khi con ốc vít, mẩu bánh mì cũng không đáp ứng được yêu cầu?...

Vẫn biết tàu đã thấy bờ mà trên bến mới rục rịch làm kè thì muộn quá lắm rồi, nhưng chẳng phải muộn còn hơn không, có hành động vẫn hơn chẳng làm gì cả hay sao? 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI