FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan: Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp VN

30/01/2015    1233

Ngày 15/12/2014, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan đã ký Biên bản thỏa thuận về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh thuế quan (VCUFTA) và dự kiến ký kết Hiệp định chính thức vào đầu năm 2015. Trước sự kiện này, chúng tôi đã có bài phỏng vấn bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng nhóm FTA – Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những cơ hội và thác thức mà Hiệp định này có thể đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Xin Bà cho biết các nội dung chính của VCUFTA?

VCUFTA mới chỉ được tuyên bố kết thúc đàm phán (ký Biên bản thỏa thuận kết thúc đàm phán), chứ hiệp định chưa được chính thức ký kết. Do đó hiện tại văn bản của hiệp định vẫn chưa được công khai.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công thương thì Hiệp định này  bao gồm các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Công nghệ điện tử trong thương mại; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế.

Trong đó, nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của cả hai bên, cụ thể:

-         Liên minh thuế quan sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của chúng ta như nông sản, thủy sản, dệt, may, da giày và đồ gỗ.

-         Việt Nam cũng mở cửa cho Liên minh thuế quan ở nhiều mặt hàng như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải..

Vậy các doanh nghiệp sẽ được lợi gì từ VCUFTA thưa bà?

Việt Nam hiện đang cùng lúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác lớn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP trong đó có Mỹ, Nhật, Canada, FTA Việt Nam – EU với khu vực EU, FTAViệt Nam – Liên minh hải quan trong đó có Nga….

Mỗi FTA lại đem đến cho doanh nghiệp những cơ hội khác nhau. Riêng đối với VCUFTA, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào FTA này bởi 3 lý do:

Thứ nhất, Liên minh hải quan trong đó đặc biệt là Nga là một thị trường rộng lớn mà hiện vẫn tương đối đóng với hàng hoá nước ngoài. Dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế NK trung bình vào Nga vẫn còn là cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. VCUFTA có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này.

Thứ hai, Việt Nam gần như là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh Hải quan – khu vực này đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, nếu ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt.

Cuối cùng và cũng rất quan trọng đó là: Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và Liên minh hải quan là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều.

Thế còn các thách thức từ VCUFTA?

Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho các nước Liên minh thuế quan theo VCUFTA

Và chắc chắn là các sản phẩm thế mạnh của Liên minh thuế quan như phụ tùng-thiết bị-máy móc, kim loại, phân bón, dầu thô, khí hoá lỏng…sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn.

Nhưng điều này cũng không quá lo ngại bởi i) thứ nhất một phần các sản phẩm này Việt Nam không sản xuất được, phải nhập khẩu i) thứ hai, với sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, thì thực tế ta cũng đã mở cửa theo các FTA đã có, hoặc dự kiến cũng sẽ mở cửa trong các FTA sắp tới rồi, nên tác động đến các doanh nghiệp trong nước của Hiệp định này, nếu có, thì cũng không quá lớn so với việc không có cam kết mở cửa theo VCUFTA.

Hiên tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp  những khó khăn gì khi xuất khẩu sang thị trường các nước Liên minh thuế quan, và theo bà những khó khăn đó có thể được giải quyết khi VCUFTA được ký kết hay không?

Cái khó chính của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước Liên minh thuế quan đó là khu vực thị trường này hiện tại vẫn tương đối đóng với hàng hoá nước ngoài, “đóng” ở đây bao gồm cả hai nghĩa:

  • Thứ nhất,“đóng” do thuế quan còn tương cao với hàng hoá nhập khẩu:  trở ngại này thì chúng ta đang cố gắng thông qua đàm phán FTA với khu vực này để dỡ bỏ.
  • Và Thứ hai, “đóng” do rất nhiều những rào cản phi thuế khác như:

+ Yêu cầu về chất lượng sản phẩm tương đối cao, và quan trọng là không thật minh bạch nên rất khó lường.

+ Quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 3 nước của Liên minh, gây rất nhiều trở ngại cho hàng XK của VN sang khu vực này

+ Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác như ngôn ngữ tiếng Nga không thông dụng hay thiếu thông tin về đối tác bạn hàng hay  cơ chế thanh toán không thuận tiện…mà các DN VN đã thực tế gặp phải rất nhiều khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này. Mà những rào cản “phi thuế” như thế này thì lại khó có thể giải quyết bằng FTA.

Vậy bà có lời khuyên của bà cho các doanh nghiệp là gì?

Theo tôi, việc cần nhất mà doanh nghiệp chúng ta cần làm tăng cường tính chủ động.

Một khi hiệp định có hiệu lực, cần chủ động tìm hiểu các nội dung cam kết và  tìm cách vận dụng sao cho có lợi nhất cho mình.

Nhưng quan trọng nhất doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình (đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm) để tận dụng được các cơ hội từ FTA này cũng như các FTA khác sắp tới.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Trung tâm WTO- VCCI