EU và Canada kết thúc đàm phán FTA

30/01/2015    86

Ngày 26/9/2014, tại Hội nghị Thương đỉnh EU-Canada, hai bên đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU-Canada (CETA) và công bố toàn văn văn bản đàm phán. Bước tiếp theo, cả EU và Canada sẽ tiến hành các thủ tục nội bộ của mỗi bên để thông qua Hiệp định này.

Đây là một FTA thế hệ mới, tương đối toàn diện về cả phạm vi lẫn mức độ cam kết. Đối với EU, sau khi FTA này được thông qua và có hiệu lực, Canada sẽ là đối tác FTA lớn nhất cho tới thời điểm này về cả quy mô thị trường lẫn mức độ phát triển kinh tế.  Còn đối với Canada, đây là Hiệp định có mức độ mở cửa sâu rộng nhất mà nước này đã từng đàm phán, lớn hơn cả Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Hoa Kỳ và Mexico trước đây.

Còn đối với các nước khác, đặc biệt là các đối tác đang đàm phán FTA với EU và Canada, thì đây có thể là một mô hình FTA rất đáng để tìm hiểu, bởi EU và Canada đều là các nền kinh tế lớn, do đó thường có vai trò dẫn dắt trong các FTA mà họ tham gia.

CETA bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có cả các vấn đề thương mại và phi thương mại, nhưng đáng lưu ý nhất ở Hiệp định này là các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư rất rộng và sâu của cả hai phía EU và Canada.

Về mở cửa thị trường hàng hóa

Cả EU và Canada đều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa rất mạnh theo CETA. Hầu hết các rào cản thuế quan đều sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (98,2% đối với Canada và 97,7% đối với EU), một tỷ lệ nhỏ sẽ được dỡ bỏ dần theo lộ trình 3, 5 và tối đa là 7 năm sau khi CETA chính thức có hiệu lực.

  • Đối với các sản phẩm công nghiệp, cả hai bên cam kết sẽ dỡ bỏ hoàn toàn 100% các dòng thuế, trong đó tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với Canada là 99,6% còn EU là 99,4%. Trong số ít các dòng thuế dỡ bỏ có lộ trình là một số sản phẩm ô tô của cả hai nước và các sản phẩm tàu thuyền của Canada.
  • Đối với các sản phẩm nông nghiệp, mỗi bên đều giữ lại (không cam kết loại bỏ thuế quan) gần 10% số dòng thuế là các sản phẩm nhạy cảm nhất, còn lại trên 90% là sẽ được loại bỏ thuế. Cụ thể, Canada sẽ xóa bỏ ngay 90,9% và 91,7% các sản phẩm nông nghiệp sau 7 năm, tương ứng với EU là 92,2% và 93,8%. Các sản phẩm nhạy cảm được Canada giữ lại hoặc theo hình thức hạn ngạch thuế quan (sữa), hoặc theo hình thức miễn trừ khỏi cam kết thuế (thịt gà, trứng và các sản phẩm từ trứng). Còn EU bảo hộ các sản phẩm nhạy cảm còn lại theo các hình thức hệ thống áp giá nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan (thịt bò, thịt lợn, ngô đóng hộp) và miễn trừ khỏi cam kết thuế (thịt gà, trứng và các sản phẩm từ trứng).

Hai bên cũng cam kết đối với các sản phẩm nông nghiệp đã được tự do hóa theo hình thức xóa bỏ thuế và/hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan mà mức thuế trong hạn ngạch là 0% thì nước xuất khẩu sẽ không được áp dụng bất kỳ hình thức trợ cấp xuất khẩu nào.

Còn đối với trợ cấp trong nước cho các sản phẩm nông nghiệp hoặc đánh bắt cá thì các bên hoàn toàn không bị hạn chế, trường hợp việc trợ cấp của một bên ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của bên kia thì các bên sẽ giải quyết thông qua hình thức tham vấn.

Đáng lưu ý là các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ và các quy định nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường của mỗi Bên sẽ không bị ảnh hưởng hay hạn chế nào bởi Hiệp định này.

Một vấn đề rất quan trọng trong các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa đó là quy tắc xuất xứ để xác định nguồn gốc của hàng hóa có đủ tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi thuế quan theo CETA hay không. Một điểm đáng lưu ý của Hiệp định này đó là mặc dù hệ thống quy tắc xuất xứ của EU và Canada rất khác nhau nhưng trong CETA, hầu hết các quy định về xuất xứ dù là chung hay cụ thể theo từng mặt hàng, đều sử dụng các quy định tiêu chuẩn của EU. Chỉ một số mặt hàng như ô tô, dệt may, cá và một số sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp chế biến hai bên phải cùng đàm phán các quy tắc xuất xứ riêng.

Về vấn đề cộng gộp xuất xứ, mặc dù hiện tại trong Hiệp định chưa có quy định nhưng cả EU và Canada đều thống nhất để mở khả năng cộng gộp xuất xứ trong tương lai với các nước thứ ba mà cả hai nước này đều có FTA.

Về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư

CETA là FTA toàn diện nhất từ trước đến nay của EU về dịch vụ và đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực này đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trên nguyên tắc “negative list” (nguyên tắc “chọn – bỏ”). Theo đó ngoài các biện pháp/lĩnh vực được nêu ra để bảo lưu, tất cả các biện pháp/lĩnh vực khác sẽ phải mở cửa theo CETA.

Đối với Canada, các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CETA cũng rộng hơn nhiều so với NAFTA. Đáng chú ý, Canada đồng ý mở cửa ngay cho EU một số lĩnh vực chủ chốt như dịch vụ bưu điện, truyền thông, và vận tải biển. Đổi lại, nước này sẽ được hưởng lợi nhiều từ các cam kết của EU về khai mỏ, một số dịch vụ liên quan đến năng lượng, môi trường và dịch vụ chuyên môn.

Ngoài các cam kết về mở cửa thị trường, chương Dịch vụ và Đầu tư của CETA bao gồm rất nhiều các quy tắc nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, đảm bảo quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của mỗi bên ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở các lĩnh vực chủ chốt như tài chính và truyền thông.

Đặc biệt, CETA đã đưa vào cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước-Nhà đầu tư (ISDS), cơ chế cho phép một nhà đầu tư có thể kiện nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài độc lập vốn gây nhiều tranh cãi ở EU và trên thế giới. Mặc dù trong quá trình đàm phán Hiệp định này đã gặp phải rất nhiều sự phản đối từ các tổ chức xã hội dân sự về việc đưa ISDS vào CETA, cuối cùng các nhà đàm phán đã quyết định đưa vào nhưng nhấn mạnh đã giải quyết theo hướng “vừa bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được quyền hạn của các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, an ninh quốc gia và môi trường”

Về các lĩnh vực khác

Ngoài các cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, EU và Canada cũng đạt được nhiều cam kết đáng kể về mua sắm công, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý... biến CETA trở thành Hiệp định toàn diện nhất từ trước đến nay đối với cả hai bên. Đặc biệt, ngoài tập trung vào các cam kết về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, CETA còn đặc biệt nhấn mạnh đến các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đa dạng văn hóa và lợi ích công cộng – hầu như không có một cam kết ràng buộc nào đối với cả hai bên liên quan đến các dịch vụ công. Đây là một đặc điểm rất đáng chú ý ở một FTA thế hệ mới như CETA.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI