EU công bố kết quả lấy ý kiến về Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư trong dự thảo TTIP
30/01/2015 84Đầu tháng 01/2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Báo cáo kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư (ISDS) mà EU đang đàm phán với Hoa Kỳ trong Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Đây là một trong những vấn đề của TTIP đã được EU đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong kế hoạch công khai minh bạch về đàm phán này của EU
Tháng 11/2014, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức thông qua một kế hoạch công bố rộng rãi các đề xuất của phía Liên minh châu Âu (EU) trong đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Tuy nhiên, việc công bố này chỉ giới hạn ở các đề xuất về quy tắc, không bao gồm các đề xuất về tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và mua sắm công, cũng như là các đề xuất chung của cả EU và Hoa Kỳ.
Kết quả là trong vòng 4 tháng đã có gần 150.000 ý kiến bình luận đã được gửi lên EC và phần lớn trong số đó phản đối cơ chế ISDS và đề nghị loại bỏ khỏi đàm phán TTIP. Trong đó, 97 % số bình luận là từ các tổ chức phi chính phủ và đều lên tiếng phản đối cơ chế này.
Đáng chú ý, tất cả phản hồi từ các cấp chính quyền địa phương của EU đều chỉ trích việc đưa ISDS vào TTIP.
Đây là một kết quả không bất ngờ bởi trước đó trong nội bộ EU đã dấy lên làn sóng quan ngại về cơ chế gây nhiều tranh cãi này, đặc biệt là Đức hiện đang bảo lưu ý kiến trong EC về ISDS vì cho rằng hệ thống tòa án của họ đã đủ mạnh để giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên, tỷ lệ phản đối quá cao cho thấy một mối lo thực sự của người dân EU trước cơ chế này. Trong một cuộc họp báo tại Strasbourg ngày 13/1/2014, Cao ủy Thương mại EU bà Cecilia Malmstrom đã phải thừa nhận: “Kết quả phản hồi cho thấy một sự quan ngại lớn từ phía công chúng đối với cơ chế ISDS”.
Mặc dù kết quả phản hồi và lời thừa nhận của bà Malmstrom đều rất rõ ràng, nhưng dường như EC vẫn không có ý định loại bỏ cơ chế ISDS ra khỏi TTIP. Lý do được đưa ra là EC đã nhận được Chỉ thị đàm phán từ các nước thành viên EU về việc chấp thuận đàm phán cơ chế này nhưng theo hướng cân bằng với các lợi ích của EU.
Báo cáo của EC cũng tuyên bố rõ rằng trong thời gian tới Ủy ban này sẽ tập trung nghiên cứu cách thức làm sao xây dựng các điều khoản về bảo hộ đầu tư và ISDS để cân bằng giữa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và quyền quản lý của nhà nước, chứ không tập trung vào việc xem xét nên hay không nên đưa ISDS vào TTIP.
Nguồn: Trung tâm WTO- VCCI
- Tận dụng tốt hơn EVFTA, mở cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam - Hungary
- Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU
- Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan
- Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria
- Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA