Tận dụng Hiệp định VCUFTA: cần những bước đi cụ thể

27/12/2014    274

(TBKTSG) - “Cân đong” hai mặt của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) thì cơ hội vẫn nhỉnh hơn, nếu ta cũng nhỉnh hơn về nỗ lực toàn diện so với hiện tại mạnh ai nấy làm, nói nhiều hơn làm. Ví dụ như bắt đầu từ ngành thủy sản...

Thủy sản có cơ hội “kép”

Việc Nga đột ngột giảm nhập khẩu hàng nông sản từ phương Tây thực sự gây ra sự mất cân đối tức thời trên thị trường này mà không thể ngay một mùa vụ khắc phục được. Đây chính là thời cơ mà Việt Nam có thể chứng minh năng lực thực sự và khả năng phát huy thế mạnh về hàng nông, lâm thủy sản.

Theo Cục Thủy sản Liên bang Nga, hàng năm thị trường này tiêu thụ khoảng 4,1-4,3 triệu tấn thủy sản/năm, trong đó cá các loại là 3,4 triệu tấn; theo đầu người, trong khi thế giới tiêu thụ khoảng 17 ki lô gam/năm thì Nga là 20,2-23,7 ki lô gam. Sản lượng đánh bắt và nuôi thả thủy sản dồi dào, nhưng do mức sống và xuất khẩu, hàng năm Nga vẫn phải nhập khẩu không ít, chủ yếu là cá nguyên con, dạng phi lê, tôm, nhuyễn thể... Cân đối cầu với cung trở nên bức bách, khi ngày 6-8-2014, Nga “áp dụng các biện pháp đặc biệt, cấm và hạn chế nhập khẩu nông sản, trong đó có thủy sản từ Na Uy, Hoa Kỳ, Canada - 3 trong số 10 đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Nga, riêng Na Uy đứng đầu chiếm tới 40% kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Nga. Để tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, Nga áp mức thuế ưu đãi khoảng 0,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 13,2% của WTO. Đây được xem là “cơ hội kép” để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Nga, nếu thành công sẽ lan vào hai thành viên trong Liên minh là Belarus, Kazakhstan.

Cao su nước ta đang xuất khẩu tới 60% vào thị trường Trung Quốc. Một số hàng nông sản hàng đầu của Việt Nam như hoa quả tươi, hạt điều, gạo... cũng bán vào thị trường này với tỷ trọng lớn. Nếu mở rộng thị trường liên minh, chí ít cũng thoát thế phụ thuộc này. Belarus có nền công nghiệp chế tạo ô tô, từng dùng cao su thiên nhiên của Việt Nam, nối lại quan hệ này ta sẽ bớt thấp thỏm. Bên cạnh đó, có thể mở thường xuyên đường hàng hải chở rau quả tới vùng Viễn Đông của Nga.

Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam sẽ đón trở lại nhiều máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng nước ta, sẽ giảm áp lực hàng rẻ nhưng chóng hỏng, tiềm ẩn độc hại, đồ chơi kích động bạo lực, từ biên giới phía Bắc tràn sang.

Tận dụng không đơn giản

Quan hệ thương mại giữa hai bên hiện còn rất khiêm tốn. Xin nói đến quan hệ Việt - Nga do thực lực nổi trội của quốc gia này trong liên minh.

Cho đến nay, kim ngạch hai chiều Việt - Nga chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Mười một tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 1.587 triệu đô la Mỹ, chiếm 1,5 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nga xuất khẩu sang Việt Nam 818 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Còn với Belarus, Kazakhstan thì không rõ vì nhỏ quá, được gộp chung vào nhóm các thị trường chưa “phân tổ thống kê”.

Nông lâm thủy sản Việt Nam thực sự không nhiều, trị giá chỉ xoay quanh 20% tổng kim ngạch xuất khẩu; phần vì sản lượng đã đến ngưỡng, phần vì vẫn chỉ xuất khẩu thô, sơ chế nên giá cả phụ thuộc vào một vài thị trường lân cận hoặc qua trung gian, lại đang bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm. Thủy sản còn dính tì vết về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nga vẫn ít, năm 2013 chỉ 100 triệu đô la Mỹ, đến năm 2005 đã lên 205 triệu đô la Mỹ. Được vào tốp 10 nước dẫn đầu xuất khẩu thủy sản vào Nga, nhưng thị phần của Việt Nam chỉ là 3,6% tổng nhập khẩu của thị trường này. 602 doanh nghiệp thủy sản của ta đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, nhưng tính đến nay, chỉ có 25 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào liên minh, trong đó có bảy doanh nghiệp chuyên cá tra, bốn chuyên tôm, hai chuyên hải sản, bảy chuyên thủy sản khô,  năm chuyên sumiri, chả cá và thủy sản khác.         

Mặc dù Nga đã là thành viên đầy đủ của WTO, nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp quản lý chất lượng nhập khẩu đặc thù. Nga không công nhận quy chuẩn của bất cứ thị trường nào mà vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thanh toán trong buôn bán với Nga cũng không hoàn toàn như thông lệ quốc tế. Khi mua hàng của Việt Nam, các doanh nghiệp Nga trả ngay 30%, còn lại trả chậm trong vòng 60 ngày sau khi nhận hàng, thậm chí phải chờ kết quả kiểm tra mới trả nốt. Thiếu vốn lại rình rập rủi ro, nên một số doanh nghiệp Việt Nam ngại ngần mở rộng bán buôn với đối tác Nga.        

Khi Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ Hoa Kỳ, châu Âu, nhiều đối tác khác đã nhanh chân nhảy vào, trong đó có những tên tuổi lớn như Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ... Vào cuộc, ta đụng ngay các đối thủ nặng ký này.

Hệ thống siêu thị của Nga bao năm nay chưa mặn mà nhập khẩu hàng của Việt Nam. Tuyến vận tải, hệ thống giao nhận chưa được thiết lập đàng hoàng.    

Những bước đi cụ thể để phát triển thị trường

Các doanh nghiệp cần tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, chú trọng điều kiện thương mại, xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, uy tín đơn vị. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chủ động chắp nối quan hệ với các nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị của liên minh. Duy trì quan hệ với cơ quan đại diện thương mại của liên minh tại Việt Nam, liên hệ gửi chào hàng, nhờ môi giới bạn hàng...

Vai trò nhạc trưởng của các cấp quản lý lúc này càng trở nên cấp thiết. Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Việt Nam (NAFIQAD) đã gửi Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) danh sách 60 doanh nghiệp thủy sản của ta có khả năng xuất khẩu vào liên minh, đã được NAFIQAD thẩm tra chu tất. Hiện đang chờ tín hiệu tích cực từ Nga.     

Ngân hàng thương mại Việt Nam cần mở rộng thỏa thuận với đồng nghiệp Nga về tín dụng, góp phần giải tỏa khúc mắc trong thanh toán.

Hoàn thiện hệ thống kho vận, giao nhận, vận tải trước hết giữa Việt Nam với Nga. Chú trọng những hàng khối lượng nhỏ nhưng giá trị gia tăng lớn, sản phẩm phục vụ lễ Tết, ngày hội, thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng người Việt nặng lòng với cố hương.

Huy động cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định cư tại liên minh làm đại lý phân phối, gia công chế biến sâu tại Nga bằng nguyên liệu, bán thành phẩm từ Việt Nam, giúp đưa hàng vào các kênh phân phối, thẳng tới siêu thị của Nga.

Nỗi lo mang tên “thép FTA”

Theo FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, thuế suất nhập khẩu thép từ liên minh này bằng 0%. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép hàng đầu thế giới là Nga, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc - từng làm thép Việt Nam khốn đốn dù ta có có “vũ khí” chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật. VSA muốn khi đàm phán với đối tác, phía ta nên đưa thép vào mặt hàng được bảo hộ, có lộ trình. Các cơ quan quản lý - đàm phán của ta trấn an rằng trong chuỗi các dòng thuế mà liên minh hải quan muốn ưu tiên cắt giảm ngay chỉ có một số không nhiều thuộc danh mục VSA đề nghị cắt giảm theo lộ trình. Thế nhưng, dù thép Nga sẽ vào được thị trường Việt Nam thì cũng khó chiếm ngôi độc tôn vì các nguồn thép khác theo các FTA khác cũng sẽ vào Việt Nam. Chặng đường thép Nga tới Việt Nam dằng dặc, từ trung tâm luyện thép tại miền Trung nước Nga qua Viễn Đông rồi mới tới Việt Nam, khiến thép Nga chưa hẳn có giá cạnh tranh với các đồng nghiệp, trước hết là với nguồn thép từ Trung Quốc.

Liên quan đến FTA Việt Nam - Hàn Quốc, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, đối với những loại thép trong nước sản xuất được, thì VSA đã đề xuất lộ trình bảo hộ cho doanh nghiệp thép trong nước bằng cách giảm thuế dần trong 5-10 năm. Đối với những sản phẩm thép Việt Nam chưa sản xuất được, VSA cho rằng Việt Nam có thể mở cửa cạnh tranh thoải mái, nghĩa là thuế suất ở mức thấp nhất để khuyến khích nhập khẩu càng rẻ càng tốt.

Từ Hàn Quốc, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thép, như thép tấm, thép lá, thép hình, chứ không có thép xây dựng, tức là nhập chủ yếu các loại sản phẩm thép công nghiệp mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Đối với thép xây dựng, nhà sản xuất trong nước chỉ lo ngại bị cạnh tranh bởi thép nhập từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, công suất của các nhà máy cán thép ở Việt Nam là hơn 11 triệu tấn thép xây dựng, gần 9,3 triệu tấn phôi thép, hơn 2,1 triệu tấn ống thép, gần 3,3 triệu tấn tôn mạ, hơn 4 triệu tấn cán nguội; trong khi tiêu thụ thép chỉ là 11 triệu tấn. Chưa kể các dự án đang trong giai đoạn xây dựng, đặc biệt là Formosa, ngành thép đang trong nguy cơ cung vượt xa cầu.

Thuế suất của tất cả các FTA mà ta đã ký đều thấp hơn so với mức thuế suất MFN trung bình, đặc biệt kể từ năm 2018 khi các FTA bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế quan sâu. Đến cuối lộ trình, thuế suất trung bình của các hiệp định như ATIGA, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản chỉ ở mức 0-5%.

Trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn về 0% năm 2018, và mặt hàng phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào 2020.

Nguồn: TBKTSG