Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Liên minh Hải quan: Triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan”

22/12/2014    97

Hiệp ước thành lập lãnh thổ hải quan thống nhất và thành lập một liên minh hải quan giữa Nga, Belarus và Kazakhstan được ký kết vào tháng mười năm 2007. Liên minh Hải quan (LMHQ) Nga, Belarus và Kazakhstan là một khu vực với tổng diện tích hơn 20 triệu km2, dân số khoảng 170 triệu người; với tiềm năng phát triển kinh tế năng động, GDP của cả ba nước gộp lại đạt khoảng 2 nghìn tỷ USD và tổng giá trị thương mại đạt khoảng 900 tỷ USD; trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, với tổng trữ lượng dầu mỏ của ba nước gộp lại vào khoảng 90 tỷ thùng dầu, chiếm khoảng 17% xuất khẩu toàn thế giới.

Trong quan hệ thương mại với LMHQ, những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam là: gạo, các mặt hàng thực phẩm, hàng may mặc, đồ da, đồ gỗ; hàng xuất khẩu của Nga sang Việt Nam - dầu mỏ và khí ga, thịt (bò, ngựa, cừu, dê), các sản phẩm sữa, ô tô và phụ tùng; Belarus – hàng may mặc, ô tô và phụ tùng, thiết bị vận tải; và Kazakhstan - hàng may mặc, đồ da, các sản phẩm dầu mỏ, than đá.

Danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên LMHQ và của các thành viên LMHQ sang Việt Nam không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Việc cắt giảm/xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam như hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ,... Cũng nhờ tính bổ trợ hàng hóa này mà việc nhập khẩu các mặt hàng mà phía LMHQ có thế mạnh sẽ giúp cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, trong khi không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh ngành của Việt Nam. Thông qua FTA, việc hợp tác giữa các bên sẽ hiệu quả hơn, khi các bên tận dụng các lợi thế không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa mà cả trong các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Việc nghiên cứu khả năng đàm phán Khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Nga/Liên minh Hải quan được bắt đầu thực hiện từ tháng 10 năm 2010. Từ đó đến nay, nhóm nghiên cứu chung gồm đại diện của 4 nước (Việt Nam, Nga, Belarus, Kazakhstan) đã tiến hành được 4 phiên họp và đã cơ bản hoàn thành nội dung của nghiên cứu.

Trong tháng 9/2012, tại Hội nghị cấp cao APEC 2012 tại Vladivostok, Liên bang Nga, các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - LMHQ và thống nhất bắt đầu phiên đàm phán vào quý I năm 2013.

Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường các nước thành viên LMHQ, đặc biệt là các cam kết gia nhập WTO của Liên bang Nga, ngày 17/12/2012, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã phối hợp cùng vụ Thị trường Châu Âu - Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan): Triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan" tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng cung cấp cho các doanh nghiệp cái nhìn toàn diện hơn về cơ hội và thách thức khi FTA Việt Nam - LMHQ có hiệu lực.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đang đầu tư tại các nước thành viên của LMHQ, cũng như có nhu cầu đầu tư và xuất khẩu vào thị trường này. Tại hội thảo, ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu Bộ Công Thương, đã cung cấp những thông tin về tổng quan thị trường LMHQ và tiềm năng của thị trường này, cũng như định hướng hợp tác Việt Nam - LMHQ.

Ông Golikov Maksim Iurievich, đại diện cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, đã có bài phát biểu bằng tiếng Việt tại hội thảo. Theo ông Iurievich, tổng kim ngạch thương mại Nga-Việt năm nay dự kiến đạt khoảng 3,5 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước. Hiện nay, Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào Nga hơn 1 tỷ đô la Mỹ, và lên đến khoảng 4 tỷ đô la Mỹ nếu tính cả các dự án theo các Hiệp định liên chính phủ và đầu tư gián tiếp. Cơ cấu thương mại giữa Nga và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau, không cạnh tranh với nhau trên thị trường quốc tế. Trong tương lai, Nga có thể tiếp tục xúc tiến tự do hoá thương mại với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương và bà Nguyễn Khánh Ngọc, chuyên viên vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương đã cung cấp và giải thích chi tiết các biểu cam kết của Nga khi gia nhập WTO về hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với khá nhiều câu hỏi từ các đại biểu tham dự hội thảo. Một trong các vấn đề được quan tâm là việc Liên bang Nga mở chi nhánh văn phòng cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2013. Cơ quan này không mang tính kinh doanh, mà chức năng chủ yếu là xúc tiến thương mại. Đáp ứng mối quan tâm của nhiều đại biểu, ông Iurievich giới thiệu những ngân hàng uy tín của Nga để các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Về việc thuỷ sản khô của Việt Nam hiện bị cấm nhập vào Nga, ông Iurievich giải thích rằng đầu năm 2013, Nga sẽ có đoàn công tác sang Việt Nam đàm phán thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nên cho rằng trở ngại này sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, vì đây là vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đên sức khoẻ người dân. Do đó, việc khắc phục trở ngại cần được tiến hành theo trình tự rất thận trọng.

Hội thảo là một cơ hội để các doanh nghiệp biết thêm nhiều thông tin mới về  việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước LMHQ, đặc biệt khi Liên bang Nga đã gia nhập WTO và hiệp định thương mại tự do giữa việt Nam và LMHQ được ký kết trong tương lai.

Nguồn: EU-MUTRAP

Tải tài liệu Hội thảo đầy đủ tại đây: