Hội thảo chuyên đề: “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”
22/12/2014 177Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra trong nhiều ngành sản xuất. Đó là một trong những kết luận của Báo cáo nghiên cứu sơ bộ đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với Việt Nam trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tài trợ.
Báo cáo nghiên cứu sơ bộ đã được thảo luận tại Hội thảo chuyên đề do Dự án EU-MTRAP tổ chức vào ngày 3/3 tại Đà Nẵng, ngày 5/3 tại TP Hồ Chí Minh và ngày 7/3/2014 tại Hà Nội.
Báo cáo nghiên cứu bao gồm phân tích định lượng dựa trên mô hình cân bằng tổng thể với các giả định về cam kết tự do hóa theo FTA Việt Nam – EU đang đàm phán để đánh giá tác động của Hiệp định này đối với Việt Nam về kinh tế vĩ mô, ngành, xã hội và môi trường. Báo cáo đưa ra 3 kịch bản: kịch bản cơ sở (không có FTA) và 2 kịch bản khi có FTA VN-EU: kịch bản khiêm tốn và kịch bản tham vọng với các mốc 2015, 2020 và 2025. Đặc biệt, nghiên cứu đi sâu đánh giá tác động (phân tích định tính) đối với 14 phân ngành kinh tế khác nhau của Việt Nam: các ngành hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giầy dép, gỗ qua chế biến, cà phê, ôtô, thủ công, sản phẩm công nghệ cao (đối với thương mại hàng hóa); dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm), dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân phối (tập trung vào bán lẻ hiện đại) và dịch vụ chuyên ngành (đối với thương mại dịch vụ).
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, EVFTA đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30% đến 40%, cao hơn mức tăng xuất khẩu trong trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản). Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể nhờ FTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường được coi là không đáng kể. Ngoài ra, Hiệp định được kỳ vọng là làm tăng phúc lợi và có tác động tích cực đến giảm nghèo. Về khu vực địa lý, FTA sẽ có tác động tích cực tới đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung hơn so với các vùng miền khác của Việt Nam.
Căn cứ vào những đánh giá trên, báo cáo khuyến nghị Hiệp định FTA Việt Nam-EU cần sớm được ký kết. Ngoài ra, Việt Nam cần cải cách phân bổ nguồn vốn, đầu tư vào các ngành có hiệu quả, cần giải quyết vấn đề môi trường bằng chính sách môi trường, chứ không phải bằng chính sách thương mại. Việc đàm phán cần được thực hiện theo phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, cần minh bạch việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đối với quy tắc xuất xứ, cần rà soát kỹ nội dung quy định về lĩnh vực này của EU. Các khía cạnh cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, sở hữu trí tuệ phải cải tổ để giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả. FTA cần giúp thay đổi theo chiều sau, chứ không phải theo chiều rộng. Bên cạnh đó, việc tham vấn Chính phủ với doanh nghiệp phải làm tốt hơn, trong đó, doanh nghiệp phải tận dụng được tham vấn để bảo vệ lợi ích của ngành mình.
Phát biểu về kết quả nghiên cứu sơ bộ, ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán công sứ - Trưởng Ban Kinh tế & Thương mại – Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng “Hiệp định FTA cũng sẽ bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư của hai bên. Sau khi Hiệp định được ký kết, FDI từ các nước EU và các quốc gia đối tác khác vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng lên; Nhờ có FTA EU-Việt Nam và những FTA khác mà Việt Nam đã ký kết, các nhà đầu tư sẽ thực sự coi Việt Nam như lãnh địa sản xuất để xuất khẩu sang EU và tất cả các nước đối tác thương mại của Việt Nam theo các FTA.”
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia chính của Dự án EU-MUTRAP , báo cáo đã áp dụng mô hình cân bằng tổng thể, là phương pháp đánh giá hiện đại, cập nhật nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên Báo cáo chưa đánh giá được tác động tích hợp của FTA Việt Nam-EU với các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán như TPP, ASEAN FTA... Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là FTA Việt Nam-EU sẽ là động lực mạnh mẽ cho cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 400 đại diện của các Bộ, Sở, Ban ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, các đại sứ quán và thương vụ các nước thành viên EU tại Việt Nam cũng như các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam.
Nguồn: Mutrap
Tải tài liệu Hội thảo đầy đủ tại đây:
- Tận dụng tốt hơn EVFTA, mở cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam - Hungary
- Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU
- Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan
- Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria
- Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA