Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của Liên minh châu Âu
04/09/2014 132Hiện tại, Việt Nam đang tham gia đàm phán rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà trong đó yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứhàng hóa. Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu). Tức là doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó.
Nhằm giới thiệu với các doanh nghiệp về nội dung và cách thức vận dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của các thị trường EU và EFTA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Công thương, Khối EFTA (gồm 4 nước Na Uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len và Lich-ten-xtanh) tổ chức hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ” tại Hà Nội ngày 17/6/2014 và Hồ Chí Minh ngày 19/6/2014.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Khối EFTA đã cung cấp thông tin về hệ thống tự chứng nhận xuất xứ của các nước EFTA mà cũng tương tự như của EU. Theo đó các nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành bằng chứng về xuất xứ, mà cụ thể là khai thông tin về xuất xứ trong các chứng từ thương mại (chẳng hạn như hóa đơn) mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.
Hệ thống này đã được sử dụng ở EU hơn 40 năm nay và cho thấy được những ưu điểm của nó như đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan. Chính vì vậy, trong các FTA mà EU đã ký hoặc đang đàm phán, đều yêu cầu phía đối tác áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Thậm chí, EU cũng đang xem xét áp dụng cơ chế này trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Tuy nhiên, không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ mà phải được cấp phép bởi một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (thường là hải quan). Quy trình thông thường bao gồm4 bước: i) Nhà xuất khẩu nộp hồ sơ xin cấp phép lên cơ quan hải quan, ii) Hải quan kiểm tra hồ sơ nộp, iii) Thẩm tra tại chỗ nếu thấy cần thiết, iv) Quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Thông thường 1 giấy phép tự chứng nhận xuất xứ có thời hạn 5 năm nếu nhà xuất khẩu không có vi phạm gì.
Một số doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan ngại hệ thống tự chứng nhận xuất xứ có thể tạo ra nhiều trường hợp gian lận hơn so với hệ thống cấp phép truyền thống thông qua cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên các chuyên gia của EFTA đã khẳng định rằng tỷ lệ gian lận theo như theo dõi và đánh giá của khối này là không có khác biệt nhiều giữa hệ thống mới và cũ. Đó là bởi vì theo hệ thống mới này, cơ quan hải quan có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp nhà xuất khẩu bất kỳ lúc nào nếu có nghi ngờ về sai phạm nhằm hạn chế các hành vi gian lận.
Nói chung, mặc dù là mới ở Việt Nam, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hiện nay đã trở nên khá phổ biến trên thế giới. Cùng với việc một loạt các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán với các đối tác đều sử dụng cơ chế này, thì khả năng lớn là nó sẽ được áp dụng tại Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các FTA này một khi được ký kết.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
- Tận dụng tốt hơn EVFTA, mở cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam - Hungary
- Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU
- Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan
- Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria
- Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA