TPP có thể chỉ là cuộc trình diễn

29/08/2014    46

(TBKTSG) - Nếu không có cải cách thực sự để tăng nội lực thì TPP cũng chỉ mang tính chất một cuộc trình diễn và 5-7 năm nữa có thể sẽ không có nhiều thay đổi với kinh tế Việt Nam.

Thuế quan giảm, nhưng chuẩn mực sẽ nâng lên

Không giống với nhiều người có thái độ hào hứng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ví nó như một cánh cửa mở rộng đang chào đón Việt Nam để “đổi đời”, một số chuyên gia có thái độ bình tĩnh hơn.

“Không phải đặt chân vào TPP là đã bước lên viên gạch cao hơn”, bà Virginia Foote, Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Chủ tịch và CEO Bay Global Strategy, nói như vậy tại Diễn đàn Kinh doanh 2014 do tạp chí Forbes Vietnam tổ chức tuần rồi.

“TPP rất khác với BTA (hiệp định thương mại song phương) và WTO. Đó có thể là thỏa thuận mà Việt Nam ăn mừng ký kết nhưng không bao giờ sử dụng; nó đem lại cơ hội lớn nhưng sẽ có hiệu lực độc lập song hành với các hiệp định khác, kể cả WTO chứ không liên quan đến nhau”, bà Foote nói tại diễn đàn.

Bà Foote cho rằng nếu các nước đạt được các tiêu chuẩn của TPP thì mới có lợi. Tức là nếu không tự nâng những chuẩn mực, cách làm, giá trị của mình, bạn sẽ vẫn nằm ngoài cuộc chơi thương mại. Ví dụ, gia nhập TPP thì thuế quan trong 12 quốc gia nội khối sẽ giảm, nhưng chuẩn mực sẽ tăng lên. TPP không hướng đến giải quyết những khó khăn lớn nhất của kinh tế Việt Nam, không nhắm đến giúp bạn cải cách hành chính, giải quyết khó khăn về thu hút đầu tư hay sự thay đổi bản chất của tiền tệ; và nó không giải quyết những nút thắt cơ bản của nền kinh tế.

Bà cho rằng sẽ mất 1-2 năm để nhìn rõ nét hình hài TPP với Việt Nam. Những năm đệm này sẽ rất quan trọng để Chính phủ cải cách hành chính hay xử lý rất nhiều vấn đề Việt Nam từng bỏ lỡ. Đây là cơ hội để ta đối mặt và giải quyết nó, đẩy tiến trình cải cách nhanh hơn.

"TPP là cơ hội nhưng không phải một giấy phép đảm bảo cho sự tiến bộ".

Virginia Foote, Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt

“Việt Nam (về nội lực kinh tế) so với các nước khác tham gia TPP là yếu hơn, do đó để có lợi nhất, có rất nhiều việc cần làm. Tôi không lo nhiều về cơ sở hạ tầng cứng Việt Nam hiện có mà tôi lo về hạ tầng mềm. Các bạn cần cải cách hệ thống giáo dục, nó chưa đáp ứng tốt cho tương lai; cải thiện chuỗi cung ứng, nhiều chuẩn mực kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, chuẩn mực về quản trị ngân hàng... tất cả đều thấp hơn mức cần thiết. Vậy thì, TPP là cơ hội nhưng không phải một giấy phép đảm bảo cho sự tiến bộ”, bà Foote nói.

Điều này được các chuyên gia, nhà kinh doanh chia sẻ. Họ đồng tình rằng nếu nhìn vào các cam kết đa phương Việt Nam đã có (WTO, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN...), chúng đã không làm kinh tế Việt Nam thăng hoa như mong đợi. Điều đó phụ thuộc khả năng ta tận dụng cơ hội, bởi các hiệp định sẽ mở rộng thêm cửa cho mình nhưng không có nghĩa giải quyết thay cho chính phủ và nhân dân nước đó.

Đối với các doanh nghiệp, có thể có mức độ ảnh hưởng khác nhau bởi những cam kết. “Vấn đề là Việt Nam đã và tiếp tục có khuynh hướng sản xuất hàng hóa giá rẻ. Nếu cứ tiếp tục nghĩ như vậy thì cũng chỉ có những sản phẩm giá rẻ mà thôi. Để tăng hạng trong kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần đặt lại câu hỏi, từ đó đặt lại vị trí của mình. Việt Nam có nền tảng và cơ hội đạt những vị thế cao hơn ở những sản phẩm như cà phê, sản phẩm nông nghiệp, với chất lượng tốt chứ không phải giá rẻ. Các bạn hãy mở ra những ý tưởng mới, đến những thị truờng mới khác”, theo bà Foote.

Bà tiếp: “Hãy đưa cho thế giới những gì họ có thể chọn. Nếu chúng ta chỉ đàm phán xong rồi ngồi đợi chứ không thật sự muốn có thay đổi nhanh và mạnh thì các đối tác nước ngoài đến đây rồi lại về mà thôi”.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đồng tình với ý kiến này. “Vấn đề là Việt Nam có muốn tăng trưởng hay không. Muốn trở thành một nước thế nào thì cần những bước đi tương ứng. Nguồn lực tài nguyên, vốn chưa được sử dụng hiệu quả (đặc biệt vốn cho khu vực tư nhân), hệ thống giáo dục, kinh doanh không đủ tạo ra việc làm”, bà Kwakwa nói, “Thị trường hoạt động không tốt, quan trọng nhất là không có sự ăn khớp giữa thị trường và người lao động, tức là ở đây có sự trục trặc về hệ thống giáo dục”. Bà cho rằng Việt Nam nên trao quyền tự chủ về nội dung giáo dục cho các trường, để cung cấp đúng các kỹ năng thị trường cần, tạo ra những con người theo nhu cầu thị trường.

Nhiều kỳ vọng nhưng thiếu quyết liệt

Gần đây, tại một cuộc tọa đàm của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM, ông Vũ Thành Tự Anh cũng bày tỏ quan điểm này. “Hiện tôi thấy chúng ta quá kỳ vọng và hứng khởi về TPP. Tôi không chia sẻ kỳ vọng đó”, ông Tự Anh nói.

Là người theo dõi kinh tế Việt Nam trong nhiều năm, ông cho rằng trước đây WTO được kỳ vọng giải quyết toàn bộ vấn đề của kinh tế Việt Nam và với TPP hiện cũng vậy. Cũng từng có mong đợi và hứng khởi quá mức nhưng WTO đã đến và không có những chuyện như kỳ vọng xảy ra. Có nhiều ý kiến của những người đã trải qua thời điểm đó cho rằng WTO đã là chất xúc tác để thúc đẩy nền kinh tế mạnh hơn, những cái tưởng không thể làm sẽ được thực hiện nhanh hơn, mạnh hơn. Nhưng thực sự Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội.

“Tôi cho rằng Việt Nam sẽ chẳng nhận được nhiều từ TPP như một số người kỳ vọng. Tức lối thoát cho kinh tế Việt Nam phải xuất phát từ nội lực bản thân của nền kinh tế, từ ý chí quyết liệt thay đổi”, ông Tự Anh nói, “Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước đã được chọn sẵn là người thắng cuộc để thi đấu nên cuộc đấu không nói lên nhiều điều. Những cải cách theo hướng doanh nghiệp nhà nước không còn chủ đạo nữa mới thực sự cần thiết. Bi kịch của Việt Nam không thiếu lời giải, chỉ thiếu sự dũng cảm”.

Nguồn: Saigon Times