Cam kết về mua sắm công trong TPP sẽ không bao gồm các cấp địa phương

07/08/2014    54

Ngày 30/07, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kì (USTR) lần đầu tiên công bố rằng  Đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không có bất kì cam kết mới nào đối với các bang hay các cơ quan địa phương liên quan đến việc mở cửa thị trường mua sắm công cho các nhà thầu hàng hóa và dịch vụ nước ngoài

Trong thông cáo báo chí, USTR cho biết “ điều khoản mua sắm chính phủ trong TPP sẽ không tác động đến việc chính quyền bang và địa phương thực hiện các chính sách đấu thầu riêng của họ”. “Chính quyền  bang, địa phương, quận hay thành phố  sẽ không bao hàm trong hiệp định TPP”.

Năm 2012, các quan chức của USTR nói rằng họ đang tập trung thảo luận về mua sắm công cấp trung ương trong đàm phán TPP. Tuy nhiên họ không tuyên bố rằng mua sắm cấp địa phương đã hoàn toàn không còn trên bàn đàm phán.

Tình hình đó có thể làm tăng sự tức giận của Canada, khi nước này đang cố gắng tăng cường tiếp cận thị truờng mua sắm công của Mỹ thông qua hiệp định TPP, và bằng một trong các cách đó là đảm bảo rằng tiền của chính phủ liên bang Mỹ cung cấp cho các cơ quan địa phương sẽ không là đối tượng của chính sách “Người Mỹ dùng hàng Mỹ”. Canada đầu năm ngoái đã đề xuất khái niệm trong chương Mua sắm Công của TPP để giải quyết vẫn đề này, được gọi là “chuyển xuống”(flow down).

Thông cáo báo chí này của USTR được đưa ra nhằm phản hồi một lá thư được gửi vài giờ trước đó bởi 122 nhà lập pháp của Hạ viện Mỹ liên quan đến các điều khoản về Mua sắm công trong TPP.

Lá thư của Hạ viện, dẫn đầu bởi Hạ nghị sĩ Donna Edwards và Walter Jones, đã yêu cầu USTR loại bỏ bất kì điều khoản nào liên quan đến nguyên tắc Đối xử Quốc Gia (“National Treatment”) trong chương Mua sắm công của TPP, cảnh báo rằng nếu đưa vào sẽ “đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính sách lâu dài “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” đối với tất cả những công ty đang hoạt động trong các quốc gia TPP”.

Cũng giống như trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trước đây, USTR hiện đang đàm phán các nghĩa vụ trong TPP mà theo đó Mỹ sẽ cung cấp Đối xử Quốc gia cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài trên một ngưỡng nhất định.

USTR thực hiện nghĩa vụ Đối xử Quốc gia một phần bằng cách  sử dụng thẩm quyền hợp pháp hiện tại để loại bỏ yêu cầu áp dụng Đạo luật Người Mỹ dùng hàng Mỹ 1933 đối với các đối tác FTA. Đạo luật đó về cơ bản yêu cầu ưu tiên sử dụng hàng hóa của Mỹ trong các gói thầu trực tiếp bởi  chính phủ Liên bang, nhưng nó lại không áp dụng cho các gói thầu liên quan đến dịch vụ hoặc gói thầu của các cơ quan không trực thuộc liên bang.

Trong thông cáo báo chí này, USTR cũng nhấn mạnh rằng họ đang cố gắng đàm phán để các quy định về mua sắm công trong TPP không khác biệt so với những thỏa thuận về thương mại trước đó. “Quy tắc của TPP về việc không phân biệt đối xử trong mua sắm công không phải là mới – chúng là kết quả tổng hợp của các đạo luật đã được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ trong 35 năm vừa qua và đã chi phối các mối quan hệ của chúng ta với hơn 50 nước”, cơ quan này cho biết.

USTR phản biện lại  những ý kiến trong bức thư từ Quốc hội về các điều khoản của TPP có thể dẫn đến “những khoản tiền lớn” trong số thuế của chính phủ Mỹ bị cảnh ngoại và được đầu tư để làm tăng cường lĩnh vực sản xuất của các nước khác.  “TPP sẽ không làm gì ảnh hưởng tới việc sử dụng các đồng đô la tiền thuế trong các dự án đấu thầu ở tất cả các cấp ngay trên quê nhà”, bức thư này nói.

USTR cũng lập luận rằng các điều khoản về mua sắm công trong TPP có thể mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Mỹ bằng cách mở ra các thị trường mà ở đó “các chính phủ đang tăng cường mua sắm và xây dựng khi ngày một phát triển thịnh vượng hơn.”

Nguồn: Inside Trade

Dịch và Biên tập: Trung tâm WTO – VCCI