Chuyển hướng

10/06/2014    48

(TBKTSG) - Các trưởng đoàn và các chuyên gia chủ chốt từ 12 thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa gặp nhau tại TPHCM để họp kín, bàn về những vấn đề còn vướng mắc.

Nội dung mở cửa thị trường dịch vụ và hàng hóa được bàn thảo dài ngày nhất, còn những vấn đề khác như sở hữu trí tuệ, đầu tư, môi trường, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quy tắc xuất xứ trong dệt may, dịch vụ tài chính... cũng được bàn tới, nhằm chuẩn bị cho cuộc đàm phán tại Singapore một tuần sau đó.

Bên lề cuộc đàm phán, ông Barbara Weisel, Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đã có cuộc gặp gỡ ngắn thông tin về tình hình TPP cho các doanh nghiệp thuộc thành viên AmCham tại TPHCM.

Trong cuộc gặp gỡ ấy, theo một nguồn tin, ông Weisel đã nhắc đến sự chống đối mạnh mẽ từ phía Quốc hội Mỹ. Ở Thượng viện, tỷ lệ ủng hộ ông Obama hiện là 70/30. Nhưng ở Hạ viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số, sự chống đối đang ngày càng gay gắt. Cộng thêm những tiếng nói chống TPP từ giới học giả, nghiệp đoàn và doanh nghiệp ở Mỹ, các nhà đàm phán đang chịu rất nhiều áp lực.

Thông điệp của ông Weisel dường như đã rõ: các doanh nghiệp Mỹ cần nhấn mạnh đến lợi ích của Mỹ nhiều hơn ngõ hầu có thể vận động giới lập pháp Mỹ trao cho tổng thống quyền thúc đẩy thương mại (TPA).

Tín hiệu này cho thấy con đường ký kết TPP vẫn còn đầy chông gai phía trước.

Riêng với Việt Nam, quốc gia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, trong những ngày gần đây, khi biển Đông dậy sóng, những tiếng nói âm ỉ về một cơ hội bứt phá “thoát Trung” càng được dịp bùng phát. Quyết tâm gia nhập TPP và những nỗ lực đàm phán của Chính phủ dường như đang chứng tỏ điều đó. Những tiêu chuẩn cao, những cam kết sâu rộng, điều kiện thực thi ngặt nghèo dường như đang đi cùng hướng với nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế từ bên trong.

Dệt may chẳng hạn, đang có cơ hội lớn để lột xác. Phái đoàn đàm phán Chính phủ đã mạnh dạn bỏ đi yêu cầu từ ban đầu của ngành về quy chế xuất xứ từ “cắt và may” để chấp nhận “từ sợi trở đi” với mong muốn xây dựng một ngành dệt nhuộm trong nước, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của ngành thâm dụng lao động này. Để tránh nguồn cung bị thiếu hụt, các thông tin ban đầu cho thấy có một khoảng thời hạn nhất định để chuyển tiếp. Và dù TPP chưa được ký kết, đã có không ít doanh nghiệp FDI đã đầu tư đón đầu, kể cả các doanh nghiệp từ Trung Quốc.

Với các DNNN, theo lời ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, không có bất kỳ một yêu cầu nào đòi hỏi xóa bỏ khối doanh nghiệp này, mà chỉ đòi hỏi sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, vì là nền kinh tế có nhiều DNNN nhất, nên áp lực thực thi sẽ phải chịu nhiều nhất.

Các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ cũng gây khó khăn, nhưng về lâu về dài sẽ là cú hích cho sáng tạo. Các vấn đề về đầu tư, về mua sắm chính phủ, đấu thầu... cũng đầy những thách thức.

Nhưng quan trọng hơn, những quy định “đằng sau đường biên giới” sẽ tạo ra những áp lực để cải cách thể chế mà các chuyên gia trong và ngoài nước đã nhấn mạnh nhiều lần.

Một thể chế tốt sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn và những doanh nghiệp mạnh hơn. Khi đó, những lợi thế về công nhân giá rẻ hay cuộc cạnh tranh về giá sẽ chuyển qua giai đoạn mới, và nền kinh tế sẽ bớt phụ thuộc hơn vào người láng giềng phương Bắc.

Nguồn: Saigon Times Online