Cục diện nước rút cuộc chơi TPP?

30/12/2013    51

Thượng tuần tháng 12/2013, giữa lúc các Bộ trưởng các nước TPP đang nhóm họp tại Singapore, lần thứ 3 trong năm nay, truyền thông về TPP lại một lần nữa bị rung chuyển bởi tiết lộ của Huffington Post và Wikileak về các tài liệu được cho là tổng hợp nội bộ của một thành viên TPP về quan điểm của từng nước TPP và tương ứng với đó là cục diện cuộc chơi TPP trong nhiều lĩnh vực.

Thành thật mà nói, tính xác thực của các tài liệu này còn là điều gây tranh cãi. Khác với lần tiết lộ đầu tiên hồi tháng 11 về Chương Sở hữu trí tuệ, khi mà tất cả các nước TPP đều giữ im lặng, và người ta hiểu rằng đằng sau đó là sự ngầm thừa nhận về sự chính xác của những nội dung được công bố, lần này một phát ngôn viên của Chính phủ Hoa Kỳ ngay lập tức đã đưa ra tuyên bố dù ngắn nhưng khá cương quyết (trong một e-mail), rằng “Đây không phải là tài liệu của Hoa Kỳ, chúng tôi không có ý kiến gì về tác giả cũng như tính xác thực của các tài liệu này….Một số chi tiết trong các tài liệu này đã không còn cập nhật, các chi tiết khác thì hoàn toàn không chính xác”.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại cho rằng các tài liệu này khá phù hợp với những gì mà họ được biết xung quanh các động thái TPP, và vì vậy không phải là không có ý nghĩa.

Sau đây là một số tóm tắt về các nội dung bị tiết lộ trong các chế định quan trọng và đang gây nhiều tranh cãi nhất trong đàm phán TPP tại thời điểm này, cùng với các thông tin ngoài lề từ hội nghị Bộ trưởng TPP vừa kết thúc ở Singapore.

Tiếp cận thị trường

Chương tiếp cận thị trường hàng hóa, một trong những chế định truyền thống và cơ bản nhất của bất kỳ một FTA nào từ trước tới nay, hiện cũng vẫn là một trong những nội dung còn chia rẽ sâu sắc nhất giữa các nước TPP.

Bản tóm tắt có đề cập tới việc các nước TPP (trừ Nhật Bản) đã hoàn thành “bước ngoặt thứ ba” trong đàm phán, theo đó thống nhất sẽ loại bỏ 95% dòng thuế. Tuy nhiên, bản này cũng nói rõ con đường tới bước ngoặt thứ tư sẽ là rất gian nan, bởi điểm gây mâu thuẫn nhiều nhất chính là nằm ở danh mục 5% số dòng thuế chưa thống nhất loại bỏ thuế này.

Thông tin sau Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP ở Singapore thượng tuần tháng 12 vừa rồi cũng khẳng định điều này. Có vẻ như tới giai đoạn nước rút này của đàm phán TPP, các nước đã quyết định lật ngửa con bài “tiếp cận thị trường”, công khai về các lĩnh vực mục tiêu của mình, thậm chí không giấu diếm cả những mặc cả đánh đổi (dù rằng trước đây những điều này đã phong thanh nhưng chưa bao giờ là chắc chắn).

Nhật Bản, nước mới gia nhập đàm phán TPP từ tháng 7/2013 công khai ý định tiếp tục bảo hộ (không loại bỏ thuế) đối với 05 nhóm nông sản được cho là “nhạy cảm cấp chính trị” của mình, bao gồm gạo, thịt (bò và lợn), bột mỳ, đường và sữa. Điều này, cùng với thái độ khá cương quyết của Nhật Bản trong vấn đề ô tô, là khúc mắc lớn với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Nhật Bản lại coi đây như một cái giá mà Hoa Kỳ phải trả nếu muốn có được sự ủng hộ của Nhật Bản với một loạt các vấn đề nhạy cảm mà Hoa Kỳ đã vấp phải sự kháng cự dữ dội từ các nước TPP khác, ví dụ như vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước hay sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm.

Cũng như vậy, Hoa Kỳ tỏ ra rất cương quyết trong việc từ chối mở cửa thị trường của mình cho các sản phẩm đường, sữa, hai sản phẩm mũi nhọn đặc biệt quan trọng của Úc và New Zealand. Thủ tướng Úc mới rồi đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng Úc cần Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho mặt hàng đường của Úc (điều mà trước nay Hoa Kỳ một mực khước từ, ngay cả trong đàm phán FTA song phương giữa hai nước) và rằng đây sẽ là điều kiện tiên quyết để nước này cân nhắc nhượng bộ về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (cơ chế ISDS, vốn được Hoa Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ nhưng bị Úc thẳng thừng bác bỏ). Tương tự, Bộ trưởng Thương mại New Zealand cũng khẳng định nước này sẽ chỉ có thể chấp nhận các đề xuất của Hoa Kỳ trong các chế định mang tính quy tắc nếu Hoa Kỳ mở cửa thị trường sữa cho New Zealand.

Về phần mình, Việt Nam cũng tỏ rõ quyết tâm không nhượng bộ trong TPP nếu những quan tâm đặc biệt của Việt Nam trong tiếp cận thị trường hàng hóa Hoa Kỳ chưa được thỏa mãn, bao gồm dệt may (vấn đê quy tắc xuất xứ) và giầy dép (vấn đề thuế quan).

Ở lĩnh vực đàm phán quy tắc xuất xứ (ROO), theo Bảng quan điểm thì các nước TPP đã đạt được sự thống nhất đáng kể trong các vấn đề về nội dung (đặc biệt là “Quy tắc cộng gộp”, “Quy tắc xử lý đối với các nguyên liệu tận dụng từ các sản phẩm tái sản xuất”; “Quy tắc không xem xét nguồn gốc của các sản phẩm thủy sản đánh bắt trên lãnh thổ một nước thứ ba”, “Quy tắc đối với hàng hóa quá cảnh và chuyển tàu nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của hải quan trong quá trình này”). Tuy nhiên, ở góc độ đàm phán về các vấn đề thủ tục, còn một số tương đối các nước bác bỏ đề xuất nhà nhập khẩu tự chứng nhận và chứng nhận mà không dựa trên các tài liệu chứng minh mà Hoa Kỳ đề xuất.

Liên quan tới các sản phẩm nông nghiệp, tất cả các nước trừ Hoa Kỳ đều nhất trí với nguyên tắc loại bỏ toàn bộ các trợ cấp xuất khẩu đối với nông nghiệp.

Các chủ đề khác liên quan tới thương mại hàng hóa như hàng rào kỹ thuật (TBT), biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) mặc dù đàm phán TPP chỉ đưa vào những nội dung rất hạn chế (ví dụ về việc có áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp chung cho các mâu thuẫn trong vấn đề này không, có thực tiễn tham vấn kỹ thuật khi áp dụng các điều kiện SPS không, áp dụng các quy định TBT riêng đối với một số mặt hàng như thế nào…) nhưng các nước hiện cũng chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Doanh nghiệp Nhà nước (SOEs)

Bảng quan điểm bị tiết lộ không bao gồm Chương Doanh nghiệp Nhà nước (ngoài một số vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước rải rác trong các Chương khác như Tiếp cận thị trường, Cạnh tranh…) và vì vậy cho thông tin nào về quan điểm cụ thể của các nước trong lĩnh vực này cũng như các vấn đề được bàn thảo trong đó.

Bản tóm tắt cũng đưa ra một vài điểm đáng chú ý theo đó những vấn đề nổi cộm trong đàm phán Chương này bao gồm: việc áp dụng quy tắc về SOEs ở cấp bang, các quy tắc liên quan tới trợ cấp và ưu thế cạnh tranh; quy tắc đối với các ngoại lệ hay giới hạn phạm vi áp dụng của Chương này. Ngoài ra, cảm nhận xuyên suốt phần nội dung này là sự khoảng cách khó lấp đầy giữa các nước trong Chương SOEs, và rằng với “mức độ chưa chín muồi” trong đàm phán về vấn đề này thì việc hoàn thành đàm phán về vấn đề này là một “công việc quá lớn” và “còn quá xa”.

Bản tóm tắt cũng đã đưa ra dự báo chính xác về việc “sẽ rất ít khả năng để có tiến triển trong Hội nghị ở Singapore” và cả việc Malaysia có thay đổi thái độ theo hướng tích cực hơn ở Hội nghị này.

Trên thực tế, mặc dù SOEs được cho là vấn đề quan ngại chung của nhiều nước, đặc biệt là Singapore, Malaysia, Peru và Việt Nam, cho tới trước Hội nghị Bộ trưởng TPP ở Singapore, tất cả các nước đều đã tham gia vào các cuộc thảo luận, đàm phán đối với Chương này trừ Malaysia. Nước này từ lâu đã nhấn mạnh khó khăn của mình trong việc tham gia vào đàm phán về SOEs, với lo ngại rằng nội dung của Chương này sẽ vượt ra khỏi mục tiêu được tuyên bố về việc “tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa SOEs và các doanh nghiệp tư nhân”. Theo thông tin từ giới quan sát thì các nhà đàm phán Malaysia có rất ít không gian để xoay xỏa trong đàm phán bởi Hiến pháp của Malaysia đã có quy định khá cứng về những điều kiện riêng cho SOEs. Hơn nữa, theo một nhà lập pháp phe đối lập ở Malaysia thì có tới 68% doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia là doanh nghiệp Nhà nước. Cũng chính vì điều này mà sự tham gia chính thức của nước này vào đàm phán Chương SOEs trong Hội nghị Bộ trưởng ở Singapore được đánh giá là một dấu hiệu tích cực đáng kể, cho thấy Malaysia bắt đầu “mềm hóa” quan điểm của mình trong vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan riêng đối với Việt Nam, Trưởng Đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cũng đã có một số phát biểu về vấn đề SOEs và quan điểm của Việt Nam trong đàm phán này, trong đó có quan ngại tương tự Malaysia, rằng số lượng SOEs ở Việt Nam hiện còn rất lớn (hàng nghìn doanh nghiệp), vì vậy đàm phán TPP về vấn đề này Việt Nam phải tính tới gánh nặng thực thi và chuyển đổi rất lớn. Tuy nhiên, ngoài vấn đề này, quan điểm của phía Việt Nam dường như khác so với Malaysia, bởi đàm phán TPP về SOEs cơ bản là phù hợp với định hướng cải cách, tái cơ cấu SOEs và tái cấu trúc nền kinh tế trong nước của Việt Nam. Và Việt Nam quan ngại nhiều hơn ở việc các quy tắc về SOEs trong TPP sẽ tạo ra phân biệt đối xử ngược cho các SOEs (theo đó có những việc mà doanh nghiệp tư nhân được làm mà SOEs lại không được làm).

Đầu tư

Theo Bản tóm tắt thì vấn đề được các thành viên TPP quan tâm nhất trong Chương này liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) mà Hoa Kỳ đề xuất và tỏ ra rất cứng rắn trước mọi yêu cầu của các bên.

Theo tài liệu này thì các bên đều quan ngại về việc cơ chế ISDS sẽ được áp dụng cho các Thỏa thuận Đầu tư và các loại Giấy phép đầu tư, bởi các khái niệm này quá rộng, có thể bao hàm hầu như tất cả các hợp đồng cơ bản có thể được ký kết giữa một nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt trong lĩnh vực khai mỏ và xây dựng hạ tầng…), thậm chí sẽ thay thế cả những điều khoản về việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng hiện đang có hiệu lực ở các nước. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nước trừ Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nêu phản đối và cố gắng đưa ra các ý tưởng nhằm giới hạn phạm vi các khái niệm cũng như các bảo lưu về quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng.

Điểm mâu thuẫn tiếp theo được nhắc tới là vấn đề áp dụng các ngoại lệ chung (của GATT và GATS) cho Chương Đầu tư. Trước đòi hỏi của các đối tác, Hoa Kỳ - nước đưa ra dự thảo Chương Đầu tư, đã có đưa ra điều chỉnh về vấn đề này. Có điều thay vì áp dụng các ngoại lệ chung của WTO cho toàn bộ Chương Đầu tư như các nước đòi hỏi, đề xuất mới của Hoa Kỳ chỉ dừng lại ở việc áp dụng các ngoại lệ này cho các nghĩa vụ Đối xử quốc gia (NT), Đối xử Tối huệ quốc (MFN) và các yêu cầu về Ban điều hành doanh nghiệp (vốn là các đề xuất của Úc và Australia).

Một nội dung khác cũng gây tranh cãi là phạm vi áp dụng của cơ chế ISDS. Theo Bản tóm tắt thì cho tới hiện tại, chỉ còn Việt Nam tiếp tục kiên trì với đòi hỏi ISDS chỉ áp dụng đối với các tranh chấp “sau khi hình thành khoản đầu tư”. Malaysia và Brunei đã chấp nhận việc áp dụng ISDS cho cả các tranh chấp phát sinh “trước khi hình thành khoản đầu tư” nhưng phải nêu điều kiện rằng họ sẽ nêu một phụ lục các trường hợp ngoại lệ hoặc bảo lưu quyền áp dụng một cơ chế “lọc” các tranh chấp này.

 

Lao động

Chương lao động là một trong những Chương mà giới quan sát cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều quan ngại. Tuy nhiên, trong các nội dung được nêu tại Bản quan điểm bị tiết lộ thì vấn đề mà Việt Nam được cho là sẽ phản đối tới cùng – “Quyền tự do lập hội” lại không thấy xuất hiện. Điều này dường như cũng phù hợp với thông tin gần đây, khi mà hầu như không thấy phát ngôn nào của cả Việt Nam lẫn các nước TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, về vấn đề này.

Theo Bản quan điểm thì chỉ có 03 nội dung lớn trong Chương lao động, trong đó nội dung về việc áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của TPP cho Chương lao động gặp phải phản ứng dữ dội nhất từ các nước: tất cả đều bác bỏ đề xuất này trừ Hoa Kỳ và Úc (New Zealand không thấy có thông tin).

Về việc áp dụng Chương này cho cấp bang, phân nửa số thành viên đồng ý, số còn lại phản đối (phần lớn là các nước có kết cấu tổ chức theo kiểu liên bang, và tất nhiên là đối tượng áp dụng chủ yếu của nội dung này).

Liên quan tới các nghĩa vụ đối với lao động cưỡng bức, một vấn đề được cho là khá nhạy cảm với một số nước đang phát triển, dường như dự thảo đàm phán đã được điều chỉnh theo hướng thích hợp khi mà thông tin bị tiết lộ cho thấy vấn đề này đến nay đã nhận được đồng thuận của tất cả các nước trong TPP (trừ Mexico).

Dạo một lượt qua các thông tin bị tiết lộ trong Bản tóm tắt và Bản quan điểm này, có thể thấy một bức tranh khá tổng thể về cục diện TPP. Bức tranh này tuy còn nhiều khoảng trống, nhưng cũng cho thấy dường như những nỗ lực thu hẹp khoảng cách của các Đoàn đàm phán TPP đã có những kết quả nhất định.

Và cùng với những thông tin bên lề khác, đặc biệt là từ phát ngôn của các vị có chức trách ở các nước TPP sau Hội nghị các Bộ trưởng TPP tại Singapore, người ta bắt đầu có dự cảm lạc quan hơn về khả năng kết thúc TPP.

Sự lạc quan này có lẽ là hơi khó hiểu trong mắt giới quan sát - vốn đôi khi suy luận quá xa, tới mức coi Hội nghị Singapore là một biểu hiện của thất bại trong TPP. Nhưng đây lại là niềm tin rất thực trong quan điểm của nhiều người trong cuộc, những người vốn không kỳ vọng nhiều ở việc có thể kết thúc đàm phán TPP cuối năm 2013 và vì vậy, tự cảm thấy hài lòng với việc Hội nghị Singapore đã có thể kết với việc lần đầu tiên khoanh vùng được tất cả các vấn đề tranh cãi (“lanhding zones”), căn cứ không thể thiếu để có thể đi đến cái kết cuối cùng./

 Trung tâm WTO-VCCI