Còn nhiều vấn đề tồn động trong TPP

18/02/2014    50

Theo nhiều nguồn tin, trong một phiên họp kín ngày 11/02, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã cung cấp cho các cố vấn nhiều thông tin mới về đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng cũng cho thấy các nhà đàm phán vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc như sở hữu trí tuệ (IP), doanh nghiệp nhà nước (SOE) và lao động.

Một nguồn tin cho biết, còn quá nhiều bất đồng trong hàng loạt các vấn đề khiến cho TPP khó có thể kết thúc được tại Hội nghị bộ trưởng tại Singapore ngày 22-25/02.

Các nguồn tin khác thì nhận định, dựa trên những thông tin từ buổi họp, khó có thể hình dung rằng đàm phán TPP có thể kết thúc trước chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Obama vào tháng 4. Nhà trắng tuyên bố vào ngày 12/02 rằng ông Obama sẽ ghé thăm Nhật Bản trong chuyến công du châu Á của mình, và sẽ trao đổi về TPP và các vấn đề khác với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Các nguồn tin cho biết, họ không kỳ vọng nhiều ởHội nghị Bộ trưởng TPP tại Singapore lần này, dẫn chứng là đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản về mở cửa thị trường ô tô và nông nghiệp bắt đầu từ Hội nghị bộ trưởng tháng 12 trước dường như không đạt được nhiều tiến triển.

Nhưng  tại phiên họp, các quan chức USTR lại cố truyền tải một thông điệp khác, rằng: có nhiều động lực đằng sau đàm phán và họ đang đi đến kết thúc. Các quan chức USTR cũng khẳng địng rằng họ đã có kế hoạch để đạt được tiến bộ ở hàng loạt vấn đề mấu chốt tại Singapore.

Trong phát biểu khai mạc tại cuộc họp kéo dài cả ngày, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ông Michael Froman nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ nỗ lực hết sức để kết thúc đàm phán TPP. Trong khi hai nguồn tin cho rằng ông Froman có vẻ như  đang muốn truyển tải một thông điệp rằng các nước TPP sắp đạt được thỏa thuận, thì một nguồn tin khác lại có cảm giác những lời phát biểu của ông cho thấy thành công còn xa vời. Nguồn tin này cho biết, cuộc họp đã không đưa ra được thông tin gì mới về các bước tiếp theo trong đàm phán TPP sau hội nghị bộ trưởng sắp tới.

Nhưng một nguồn tin khác cho biết, ông Froman rõ ràng đang thúc ép để kết thúc đàm phán trong thời gian này bởi ông biết rằng sau chuyến công du tháng 4 của Tổng thống Obama, sẽ không có một thời hạn cụ thể nào khác cho kết thúc TPP.

Để có được thỏa thuận trong thời gian này đòi hỏi Hoa Kỳ phải buông tay với khá nhiều yêu cầu quan trọng - có thể là các vấn đề như truyền tải thông tin qua biên giới - và cần tính toán kỹ lưỡng về ngành nào được ưu tiên nhằm có đủ sự ủng hộ để Quốc hội thông qua thỏa thuận.

Những nguồn tin này cho biết, họ tin rằng ông Froman biết rõ thỏa thuận cuối cùng của TPP cần phải như thế nào nhằm đạt được cân bằng giữa việc rút bớt các yêu cầu của Hoa Kỳ mà vẫn giữ được sự ủng hộ cần thiết của giới tư nhân nước này.

Một số yêu cầu quan trọng của Hoa Kỳ đã bị loại bỏ ra khỏi đàm phán. Ví dụ, chính phủ Malaysia cương quyết với Hoa Kỳ rằng họ sẽ không từ bỏ chính sách mở rộng ưu tiên cho những người Mã Lai bản địa trong nhiều vấn đề như mua sắm công. Hoa Kỳ đã phải chấp nhận điều này và đang tìm cách đánh đổi bằng một nhượng bộ khác từ Malaysia.

Một nguồn tin tư nhân cho biết việc đạt được thỏa thuận không chỉ đơn thuần là việc Hoa Kỳ chấp nhận từ bỏ yêu cầu. Ví dụ, kể cả nếu Hoa Kỳ có đồng ý rút yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp, thì điều này cũng không thể chấp nhận được với Australia. Nếu Nhật không mở cửa thị trường nông sản, Australia cũng có thể không muốn cam kết mạnh mẽ trong TPP ở các vấn đề mà Hoa Kỳ đang vận động, ví dụ như vấn đề truyền tải thông tin qua biên giới.

Gần đây, chính phủ mới của Australia đã đưa ra quan điểm mới về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư với nhà nước (ISDS) trong Chương Đầu tư của TPP – cơ chế này đã bị chính quyền trước đó phản đổi toàn bộ. Nhưng các nhà đàm phán của Australia vẫn chưa cho biết họ muốn đổi lại điều gì để có thể chấp nhận ISDS. Trong khi đó, các thành viên TPP khác, bao gồm Mexico, phản đối việc áp dụng ISDS trong ngành dịch vụ tài chính.

Một nguồn tin nói, thông qua cuộc họp này có thể thấy USTR đã rất hào hứng để lôi kéo các nghị sĩ về vấn đề TPP. Trên diễn đàn quốc hội, vấn đề TPP đang gây nhiều tranh cãi là liệu Quốc hội có nên ủy quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn (fast-track) cho tổng thống Obama hay không.

Trong buổi họp báo ngày 11/02, các quan chức USTR đã công bố một số thông tin bổ sung về đàm phán trong chương lao động của TPP. Cụ thể, USTR cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với một số đề xuất trước đó của Australia và Canada về thủ tục tham vấn sẽ là một bước bắt buộc trước khi giải quyết tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ lao động.

Cùng lúc đó, USTR trấn an các bên liên quan là họ sẽ có khả năng đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp đầy đủ trong chương lao động, bao gồm quyền áp dụng chế tài thương mại trong tranh chấp lao động, ngay cả khi Canada đã đề xuất một cơ chế khác không cho phép các chế tài thương mại. Nguồn tin cho biết, đề xuất của Canada có vẻ như nhận được sự ủng hộ của các nước TPP như Australia và New Zealand, nhưng USTR nhấn mạnh tại cuộc họp rằng họ có khả năng đạt được thủ tục giải quyết tranh chấp đầy đủ cho chương lao động.

Mặc dù đưa ra thêm nhiều thông tin cụ thể về chương lao động trong cuộc họp, nhưng các quan chức USTR đã không đề cập đến một số các quy định về lao động mà các đại diện công đoàn đã từng phản đối.

Với vấn đề doanh nghiệp nhà nước (SOE), các nhà đàm phán Hoa Kỳ cho biết, họ đã chỉnh sửa định nghĩa SOE theo hướng đáp ứng được yêu cầu của các nước khác nhưng vẫn đạt được mục tiêu của Hoa Kỳ về việc thắt chặt các hoạt động thương mại của SOE để đảm bảo các doanh nghiệp này cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các nhà đàm phán của USTR cũng nói rõ là còn nhiều vấn đề để mở về SOE mặc dù các nhà đàm phán đã có nỗ lực  đáng kể  trong 6 tháng qua.

Một trong những vấn đề nổi cộm là liệu các quy định SOE mới sẽ áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước hay chỉ những doanh nghiệp ở cấp trung ương mà thôi, như là đề xuất của Hoa Kỳ.

Ngay sau phát biểu khai mạc của ông Froman trước các cố vấn là các cuộc họp chớp nhoáng kéo dài 15 đến 30 phút tập trung vào từng vấn đề của TPP. Cuộc họp kéo dài đến 12h30 và người tham gia không được phép đặt câu hỏi trong các cuộc gặp đó.

Tuy nhiên, các cố vấn được phép đặt câu hỏi và bình luận trong phiên buổi chiều, bao gồm 4 phiên họp kéo dài 1h của các ủy ban tư vấn có sự tham gia của các nhà đàm phán của Hoa Kỳ từng chương cụ thể trong TPP.

Các vấn đề được trao đổi suốt các phiên họp buổi sáng là lao động, môi trường, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ và minh bạch hóa chương trình trợ cấp giá thuốc, SOEs, Quy tắc xuất sứ, giải quyết tranh chấp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch; tiếp cận thị trường hàng hóa và nông nghiệp; và đầu tư, các biện pháp không tuân thủ và ISDS.

Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI tổng hợp và biên tập