Liệu TPP có thể kết thúc vào tháng Tư?

10/02/2014    47

Trên nền chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama vào tháng 4 tới đây, trưởng đoàn đàm phán các nước TPP dự định sẽ gặp nhau tại Singapore vào trung tuần tháng 2, chỉ một vài ngày trước hội nghị bộ trưởng các nước TPP cũng diễn ra tại quốc đảo này.

Các trưởng nhóm đàm phán của một số lĩnh vực cụ thể có vẻ như cũng sẽ tháp tùng các trưởng đoàn đàm phán trong cuộc họp này, nhưng các nước TPP không coi đây là một vòng đàm phán chính thức. Điều này tương tự như phiên họp vào tháng 11 của các trưởng đoàn đàm phán tại thành phố Salt Lake, khi các chuyên gia tháp tùng và trợ giúp các trưởng đoàn đàm phán trong một số vấn đề cụ thể. Trong một diễn biến có liên quan, đại sứ hai nước TPP tại Hoa Kỳ tuần này đã nhận định rằng chuyến công du của tổng thống Obama đến Châu Á vào tháng 4 này sẽ là một điểm mốc quan trọng cho kết thúc TPP.

Ông Kenichiro Sasea, đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ nói, ông tin rằng các nước TPP cần đạt được thỏa thuận trước chuyến công du của ông Obama. Còn đại sứ Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường thì ra hiệu rằng Chính phủ Việt Nam trông đợi một “tuyên bố quan trọng về TPP” từ tổng thống Obama khi ông này đến thăm khu vực.

Các thông điệp đó được đưa ra trong cuộc thảo luận bàn tròn tại ngày 29/01 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cùng với sự tham gia của đại sứ Singapore, ông Ashok Mirpuri.

Phó Tổng Tham mưu An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, trong một cuộc họp báo 29/01 đã từ chối trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu ông Obama có ghé qua Nhật Bản trong chuyến công du Châu Á vào tháng 4 này hay không. Thay vào đó, ông Rhodes nhấn mạnh rằng tổng thống cam kết sẽ quay trở lại Nhật Bản trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực trong các vấn đề mấu chốt  của TPP với Nhật Bản và tất cả các nước TPP khác.

Tại CSIS, ông Sasae cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản đang gặp “trở ngại lớn” trong đàm phán song phương về TPP, cụ thể là vấn đề ô tô và nông nghiệp. Nhưng ông cho rằng đây là tín hiệu cho thấy đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối khi mà những vấn đề khó nhất đã được giải quyết.

Ông phản đối ý kiến cho rằng Nhật Bản là quốc gia duy nhất đang làm chậm tiến trình đàm phán TPP khi không chịu nhượng bộ về vấn đề tiếp cận thị trường nông nghiệp của họ, và nói rằng Hoa Kỳ cũng đang yêu cầu áp dụng các biện pháp đối xử đặc biệt đối với sản phẩm ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản vào nước này.

“Đây không phải là trò chơi đơn phương. Hoa Kỳ cũng đang đòi hỏi một số biện pháp đặc biệt áp dụng đối với ô tô.” Ông Sasae nói mà không giải thích gì thêm. Nhưng theo một nguồn tin thì lời phát biểu trên của ông Sasae có thể liên quan đến thuế nhập nhẩu của Hoa Kỳ đối với một số dòng xe, ví dụ thuế suất 25% đối với xe tải hạng nhẹ.

Ông Sasae lưu ý rằng chính phủ Nhật Bản chịu nhiều áp lực lớn từ các bên liên quan trong nước như nông dân, và cho rằng “chúng tôi cần phải duy trì một số biện pháp tối thiểu để bảo vệ các lợi ích hợp pháp này.” Ông nói, cả hai bên đang trong quá trình tìm kiếm sự thỏa hiệp “phù hợp với các giới hạn hiện tại chấp nhận được về mặt chính trị”

Ngài đại sứ nhắc lại rằng các nhà đàm phán của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gặp nhau tuần này để tiếp tục thảo luận về TPP. Phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết những cuộc trao đổi về TPP đã diễn ra tại Washington theo như đúng thỏa thuận đạt được giữa ông Michael Froman (USTR) và Bộ trưởng Akira Amari của Nhật Bản ngày 20/01 về việc “tiếp tục cùng nhau làm việc để sớm kết thúc đàm phán TPP”

Các cuộc thảo luận – do Quyền Phó giám đốc USTR, bà Wendy Culter, đại diện phía Hoa Kỳ - bao gồm tiếp cận thị trường nông sản, là một phần trong đàm phán TPP, cũng như ô tô, là một phần trong đàm phán Hoa Kỳ - Nhật Bản diễn ra song song với TPP.

Tại CSIS, ông Sasae nói ông lạc quan về việc Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đạt được thỏa thuận về những vấn đề mấu chốt này nếu mỗi bên linh hoạt hơn, ông nhấn mạnh rằng hai bên đã thu hẹp khoảng cách kể từ khi bắt đầu đàm phán. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều việc phải làm, nhưng nếu hai bên đủ thiện chí và linh hoạt, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể vượt qua khó khăn”

Trong một câu trả lời phỏng vấn, ông Sasae và người đồng cấp từ Việt Nam và Singapore cho rằng lộ trình mà Quốc hội Hoa Kỳ trao cho tổng thống quyền đàm phán theo thủ tục rút gọn (fast-track) sẽ là chìa khóa để kết thúc TPP.

Những người ủng hộ thủ tục rút gọn, còn được gọi là Ủy quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), từ lâu đã cho rằng các đối tác đàm phán của Hoa Kỳ sẽ không muốn đưa ra các đề xuất tốt nhất trong TPP cho đến khi có được TPA, bởi khi đó, họ có thể được đảm bảo rằng kết quả đàm phán sẽ không bị Quốc hội Hoa Kỳ sửa lại.

Ông Sasae đặc biệt nhấn mạnh khi đề cập đến TPA, ông nói “chúng ta nhất định phải có nó”. Nếu không có TPA, “mọi người có lẽ sẽ lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu kết quả đàm phán bị thay đổi – sẽ không ai đàm phán một cách nghiêm túc nhằm đi đến đồng thuận,” ông Sasae nói. “Vậy nên chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ cho việc thông qua TPA tại Quốc hội Hoa Kỳ sớm nhất có thể.”

Ông Nguyễn Quốc Cường ẩn ý rằng nên có TPA trước khi kết thúc đàm phán TPP, ông nói, nếu TPA được thông qua, “hy vọng, nó sẽ giúp kết thúc sớm TPP.”

Đại sứ Singapore lại mập mờ về thứ tự của TPA và TPP, cái nào có trước, và nói rằng đây là vấn đề “con gà và quả trứng”. Cùng lúc đó, ông nhắc lại rằng các nước TPP vẫn đã và đang đàm phán hiệp định này trong 4 năm qua mà không hề có TPA, nhưng “trên nền nhận thức rằng sẽ có TPA” nhằm đưa kết quả đàm phán qua được Quốc hội Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là công việc nội bộ của Hoa Kỳ.

Hạ nghị sĩ Rosa DeLauro (Đảng Dân chủ - bang Connecticut), người phản đối TPA, tiên đoán trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/01 rằng chính quyền Obama đang cố gắng để thông qua thủ tục rút gọn trước chuyến thăm của tống thống đến Châu Á vào tháng 4.

Bộ trưởng kinh tế Mexico, ông Ildefonso Guajardo nói ngày 17/01 rằng đàm phán TPP có thể được kết thúc vào cuối tháng 4, nhưng chỉ ra khó khăn chính đang cản đường là sự thất bại của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc đạt được thỏa thuận thuế quan về các hàng hóa nhạy cảm.

Nguồn: Inside US Trade

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO - VCCI